Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Công an huyện Quản Bạ thực hiện lời căn dặn “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an” của Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an.

22/10/2021 01:11 295 lượt xem

Ngày 02/3/2020, trong chuyến làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc để trao đổi, thống nhất về chủ trương, phương hướng nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND), xây dựng Công an xã chính quy gắn với phát triển kinh tế, xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an xác định bố trí công an xã chính quy chính là cách để lực lượng Công an được gần dân hơn, nắm chắc tình hình, phục vụ Nhân dân tốt hơn, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc hơn; đi đôi với đổi mới phương thức hoạt động để Công an xã chính quy thực sự là chỗ dựa của nhân dân, theo phương châm “lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”. Từ đó đến nay, câu nói “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an” được Bộ trưởng Bộ Công an nhắc đến nhiều lần trên các diễn đàn, sự kiện quan trọng của đất nước và lực lượng Công an nhân dân, câu nói có nội dung và ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, nhất là đối với lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy.

Công an huyện Quản Bạ thực hiện lời căn dặn “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an” của Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an.
Công an huyện Quản Bạ kết nối mạnh thường quân hỗ trợ xi măng cho nhân dân xã Bát Đại Sơn

Đối với Công an tỉnh Hà Giang, câu nói của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an” cùng với lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” đã được triển khai xây dựng thành Bộ bích chương treo trang trọng tại các hội trường, phòng họp, nơi tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính… của các đơn vị Công an từ tỉnh đến cấp xã để lan tỏa giá trị và ý nghĩa lời căn dặn của Tổng Bí thư và Bộ trưởng Bộ Công an đối với cán bộ, chiến sỹ lực lượng. Và hiện nay, việc quán triệt, triển khai Bộ bích chương trong các Hội nghị, Hội thảo chuyên đề, các buổi sinh hoạt Chi bộ đảng hàng tháng, trong việc đánh giá thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, chiến sỹ trong các đơn vị lại càng có ý nghĩa khắc ghi, thấm nhuần lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư và Bộ trưởng. Đây là chủ trương thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn lực lượng vì mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Có thể thấy rằng, qua 76 năm xây dựng, chiến đấu trong mọi giai đoạn lịch sử của tỉnh, lực lượng CAND Hà Giang, trong đó có CAND huyện vùng cao biên giới Quản Bạ đã ngày càng lớn mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó: Giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia. Những chiến công trong trang sử vàng qua từng giai đoạn là minh chứng sinh động, thiết thực, trở thành động lực to lớn để mỗi CBCS vững tâm vượt mọi khó khăn trong cuộc sống, công tác và chiến đấu, giữ gìn sự bình yên nơi địa đầu Tổ quốc, cùng đồng bào quyết tâm không cam chịu đói nghèo và cống hiến xây dựng Hà Giang phát triển. Phát huy truyền thống vẻ vang, những người chiến sĩ CAND của huyện Quản Bạ nguyện một lòng vì nước quên thân, vì dân phục vụ; góp phần làm rạng ngời thêm những chiến công, xứng đáng với sự tin yêu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. 

Gần đây nhất, trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trung tâm VHTT&DL huyện Quản Bạ đã phản ánh kịp thời “chiến dịch” cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trên địa bàn huyện. CBCS với tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đến làm thủ tục với phương châm “làm hết việc, không hết giờ”, không kể ngày đêm. Với những người già, khuyết tật, đi lại khó khăn, nhiều Tổ công tác đã phối hợp với các địa phương bố trí xe đưa đón để tất cả mọi công dân đều được làm CCCD. 

Năm 2020 cũng là năm đánh dấu sự chuyển biến lớn khi huyện Quản Bạ hoàn thành việc bố trí Công an chính quy đảm nhận các chức danh công an xã ở 13/13 xã, thị trấn. Qua thời gian thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Công an xã chính quy được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đánh giá cao sự chuyển biến về hiệu quả làm việc trong xử lý tin báo, tố giác tội phạm, nhất là công tác phối hợp tuần tra, đảm bảo ANTT, phối hợp với các ngành, đoàn thể giáo dục, cảm hóa các loại đối tượng, tuyên truyền phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho nhân dân ở các địa phương.

Cũng trong thời gian qua, hình ảnh chiến sỹ, lực lượng vũ trang đã thực sự để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Những chiến sỹ tuyến đầu chống dịch trong đó có lực lượng Công an tham gia các Tổ, chốt chống dịch khu vực biên giới, không quản ngại khó khăn, gian khổ trong những lán trại tạm bợ, thiếu thốn lương thực, thực phẩm, mưa rừng, vắt núi để ngăn chặn tình trạng công nhân nhập cảnh trái phép. Đó còn là lực lượng Cảnh sát giao thông căng mình giữa tiết trời nóng nực để kiểm soát người, phương tiện ra vào địa bàn, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Và còn rất nhiều những việc làm thiết thực của cán bộ, chiến sỹ đóng góp nhu yếu phẩm ủng hộ người dân vùng dịch, ủng hộ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…

Việc bố trí lực lượng Công an chính quy ở toàn bộ địa bàn cấp xã đã cho thấy đây là chủ trương cấp bách và thiết thực để có lực lượng tại chỗ gần dân nhất, thường xuyên nhất với Nhân dân. Những vấn đề phát sinh về ANTT ở cơ sở và nguyện vọng, công việc của Nhân dân liên quan đến ANTT đã được tiếp nhận, giải quyết đầy đủ, kịp thời từ lực lượng Công an xã chính quy. Khi người dân cần, khi người dân gặp khó khăn, lực lượng Công an có thể có mặt ngay để giải quyết, giúp đỡ với phương châm “4 tại chỗ” như là việc trực tiếp tuyên truyền, vận động Nhân dân, giải quyết mâu thuẫn trong dân, giải quyết các thủ tục hành chính, thu thập thông tin dân cư, hỗ trợ làm Căn cước công dân, tham gia các tổ, chốt phòng chống dịch bệnh Covid-19… 

 

Lời căn dặn của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm “Lúc dân cần, lúc dân khó có công an”, một mặt thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động, sẵn sàng, tận tụy vì Nhân dân phục vụ của lực lượng Công an trong giải quyết những công việc liên quan đến Nhân dân và giúp đỡ, bảo vệ Nhân dân khi Nhân dân có kiến nghị, phản ánh, đề nghị giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi chính đáng của mình, khi bị các thế lực xấu, tội phạm xâm hại… Mặt khác, thể hiện uy tín, sự tin yêu của Nhân dân đối với lực lượng Công an, là chỗ dựa vững chắc, là “nơi tìm đến” khi Nhân dân gặp khó khăn, hoạn nạn.

   Lời căn dặn không chỉ thể hiện ở góc độ giải quyết công việc chuyên môn, là cung cấp dịch vụ công, là giải quyết vấn đề an ninh, trật tự, mà còn thể hiện ở góc độ tình cảm, tình thương và cộng đồng trách nhiệm của lực lượng Công an, của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trước những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Đó là sự thăm hỏi, hỗ trợ, động viên kịp thời về vật chất và tinh thần đối với những gia đình bị mất mát do tội phạm tấn công, do tai nạn giao thông, do hỏa hoạn, do lụt bão; những cháu bé bị mồ côi cha, mẹ; những người già neo đơn; người tàn tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, người có công khó khăn. Đó là những chiến sỹ tình nguyện hiến máu cứu người, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, cùng đồng cam cộng khổ với Nhân dân để “máu của mình hòa vào máu Nhân dân”, để mồ hôi của mình hòa chảy cùng nước mắt của dân… Nhiều việc làm thiết thực “lúc dân cần”, rất “gần lúc dân khó”.

Nội hàm lời căn dặn này cũng yêu cầu đối với lực lượng Công an từ Trung ương đến cơ sở, nhất là ở các địa bàn khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới đa số đồng bào dân tộc thiểu số như Quản Bạ phải luôn sâu sát, gần dân, lắng nghe dân, tôn trọng dân, bảo vệ dân. Duy trì sợi dây gắn bó mật thiết với Nhân dân, chống mọi biểu hiện quan liêu, xa dân, coi thường dân; nhanh nhẹn, nhạy bén trong nhận diện “đối tượng”, “tội phạm” và “Nhân dân” để bảo vệ Nhân dân.

Cùng với lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, phương châm “Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an” của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là danh dự, là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao của lực lượng Công an, của mỗi cán bộ, chiến sỹ CAND trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Hai lời căn dặn có mối quan hệ biện chứng sâu sắc, mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an sẽ phải thường xuyên tự rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân. Những chiến công và sự hy sinh của lực lượng Công an sẽ góp phần xây dựng nên hình ảnh đẹp, làm nên “danh dự” của người chiến sỹ Công an, lực lượng CAND. Trong thực hiện nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sỹ sẽ cần phải luôn ghi nhớ, thấm nhuần và vận dụng thực hiện thật tốt, xứng đáng với cội nguồn của Công an là từ dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và sự tin yêu, giúp đỡ, đùm bọc của Nhân dân.

Cùng đồng hành với Công an huyện, Trung tâm VHTT&DL tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, lan tỏa giá trị và ý nghĩa lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trên địa bàn huyện. Bằng các hoạt động truyền thông phong phú trên sóng truyền hình, phát thanh, trang thông tin điện tử huyện, tuyên truyền lưu động đến từng xã, thị trấn, từng thôn bản để góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sỹ CAND “vì nước quên thân, vì Nhân dân phục vụ”, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và giữ vững quốc phòng an ninh khu vực biên giới./.

 

Thanh Nga

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập