Chính trị

Đề án số 06 Huyện ủy Quản Bạ- cuộc cách mạng về nhận thức gắn với bảo vệ rừng.

15/09/2021 09:36 316 lượt xem

Phong tục tập quán trong đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Quản Bạ khá đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, nhiều phong tục mang tính lạc hậu, mê tín, dị đoan cần phải cải tiến và thay đổi. Đề án số 06 của BTV Huyện ủy Quản Bạ về nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban MTTQ ra đời được coi là cuộc cách mạng trong thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện. Trong đó, mục tiêu cốt lõi chính là việc đưa người chết vào áo quan. Tuy nhiên, khi thực hiện nội dung này, vấn đề chặt rừng làm áo quan của một số người dân lại xảy ra, vì vậy huyện Quản Bạ đã có giải pháp khắc phục để Đề án số 06 “cuộc cách mạng về nhận thức” thực hiện gắn với bảo vệ rừng.

Đề án số 06 Huyện ủy Quản Bạ- cuộc cách mạng về nhận thức gắn với bảo vệ rừng.
Lực lượng nòng cốt tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng

Trước đây, theo phong tục của người dân tộc Mông khi người thân đã chết đều phải làm theo đúng phong tục 7 ngày với tục lệ dựa cột, bón cơm, tổ chức đám ma trong nhiều ngày đã gây tốn kém về tiền của và gây mất vệ sinh cho gia chủ. Đề án số 06 của Huyện ủy Quản Bạ được ban hành và đưa vào thực hiện với sự vào cuộc tích cực của MTTQ, Hội đoàn thể các cấp tại huyện, trong công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng họ là người dân tộc Mông cùng vào cuộc. “Mưa dầm thấm lâu” đại bộ phận người dân tộc Mông tại huyện Quản Bạ nay đã từng bước thay đổi, rút thời gian làm ma từ 7 ngày xuống còn 3 ngày và mặc áo quan cho người đã khuất.

Thế nhưng, do nhận thức chưa đầy đủ trong việc đưa người chết vào áo quan của một số dòng họ đã gây ra tình trạng chặt phá gỗ rừng để làm áo quan. Anh Thào Seo Dìn, xã Tả Ván đang thực hiện hình phạt án treo, chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng và không được đi khỏi địa phương với hành vi chặt phá lâm sản gỗ quý hiếm để làm áo quan cho người bố đã chết. Hoàn thành chữ Hiếu, song vô tình anh Dìn lại vướng vào lao lý với hành vi phá rừng. Anh Thào Seo Dìn, thôn Thèn Ván, xã Tả Ván nói: Khi bố chết tôi cùng một số người thân trong gia đình đã lên rừng chặt gỗ về làm áo quan cho bố, tôi không biết hành vi của mình là sai, giờ được cán bộ tuyên truyền, giải thích tôi biết được rằng, bản thân không được tự ý chặt gỗ trên rừng khi chưa được cấp phép. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh, những bài học sâu sắc để chúng tôi tuyệt đối không lập lại lỗi vi phạm.

Đề án số 06 của Huyện ủy Quản Bạ tiếp tục có những bước đột phá mới trong tìm giải pháp triệt để về việc đưa người chết vào áo quan gắn với bảo vệ tài nguyên lâm sản rừng. Đó là vận động hình thành dịch vụ mai táng chuyên cung cấp áo quan, trong đó áo quan tại cửa hàng dịch vụ phải đảm bảo là gỗ nhập khẩu có giấy tờ kiểm chứng đầy đủ. Và không được thu mua gỗ lâm sản không rõ nguồn gốc, lâm sản tại địa phương. Trung bình mỗi bộ áo quan có giá trị từ 7 triệu- 10 triệu đồng, “rẻ” hơn rất nhiều so với việc nhân dân chặt gỗ phá rừng, vi phạm luật lâm nghiệp.

Kiểm lâm huyện Quản Bạ kiểm tra giấy tờ nhập gỗ của cửa hàng kinh doanh
dịch vụ áo quan.

Ông Nguyễn Bá Ngọc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quản Bạ trao đổi thêm: Thực hiện Đề án số 06 của BTV Huyện ủy Quản Bạ về phía Hạt kiểm lâm phối hợp với MTTQ và các hội đoàn thể trên địa bàn huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên vấn đề lấy gỗ ở đâu để làm áo quan là việc hết sức trăn trở của ngành Kiểm lâm huyện, sau khi tham mưu và được Huyện ủy – HĐND – UBND huyện định hướng, Hạt kiểm lâm huyện vận động hộ dân thực hiện kinh doanh dịch vụ mai táng, áo quan, toàn bộ gỗ thực hiện sẽ được nhập khẩu từ các công ty đảm bảo có giấy phép. Thực tế, hiện nay tình trạng chặt rừng làm áo quan của đồng bào đã giảm bỏ, tỷ lệ vi phạm luật lâm nghiệp đã giảm rõ rệt.

Qua việc đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai Đề án số 06 của BTV Huyện ủy Quản Bạ gắn với bảo vệ rừng, chính là cuộc cách mạng trong việc cải tổ, thay đổi tư duy của đại bộ phận người dân tộc Mông bản địa. Dẫu cuộc cách mạng này còn có những khó khăn thực tiễn, nhưng qua từng năm triển khai, rõ rằng thấy rằng, khi ban hành Đề án số 06 của BTV Huyện ủy Quản Bạ đã dự đoán, lường trước và có những giải pháp đón đầu để khắc phục. Những cánh rừng xanh ngát, tình trạng chặt rừng làm áo quan trên địa bàn huyện Quản Bạ nay gần như không còn, phát huy các tổ tuần tra, bảo vệ rừng từ nhân dân bản địa là những những giải pháp mà đề án số 06 đang thực hiện để bảo vệ rừng. Tin rằng, cuộc cách mạng này sẽ sớm thành công, đặt nền móng cho sự thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào dân tộc Mông tại vùng cao Quản Bạ.

Hoàng Chính

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập