Lịch sử phát triển

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH HUYỆN QUẢN BẠ TỈNH HÀ GIANG

26/05/2017 00:00 2015 lượt xem

 Địa phận huyện Quản Bạ ngày nay, xưa kia thuộc Bình Nguyên (Tuyên Quang). Đến Thời Lê, huyện Bình Nguyên được đổi là Châu Vị Xuyên, thuộc Phủ Tương Yên, tỉnh Tuyên Quang. Đến năm Minh mệnh thứ 16, vùng đất này được chia ra phía hữu sông Lô làm huyện Vĩnh Tuy, phía tả sông Lô làm huyện Vị Xuyên, gồm 5 tổng, 31 xã. Dưới thời thực dân Pháp xâm lược, năm 1891 phủ Tương Yên, trong đó có Châu Vị Xuyên đặt trong đạo quan binh Hà Giang được gọi là đạo quan binh thứ ba. Năm 1900, Đạo quan binh Hà Giang đổi thành tỉnh Hà Giang. Về sau huyện Vị Xuyên lại được chia thành hai huyện: Vị Xuyên và Hoàng Su Phì. Vùng Quản Bạ là một tiểu khu gồm 7 xã của huyện Vị Xuyên: Quản Bạ, Quyết Tiến, Đông Hà, Thanh Vân, Cao Tả Tùng, Nghĩa Thuận, Thái An.


Ngày 15/12/1962, Hội đồng Chính phủ ban hành quyết định số 211/QĐ-CP thành lập huyện Quản Bạ trên cơ sở 7 xã gồm Quản Bạ, Quyết Tiến, Đông Hà, Thanh Vân, Cao Tả Tùng, Nghĩa Thuận, Thái An được tách ra từ huyện Vị Xuyên và các xã Lùng Tám, Cán Tỷ, Bát Đại Sơn của huyện Đồng Văn. Năm 1976, Hà Giang sáp nhập với Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên, Quản Bạ trở thành một đơn vị hành chính của tỉnh Hà Tuyên. Từ năm 1991, Quản Bạ trở lại là huyện của tỉnh Hà Giang như cũ (Nguồn Lịch sử Đảng bộ huyện Quản Bạ)


1. Vị trí địa lý: Phía Bắc và phía Tây Quản Bạ giáp Trung Quốc; phía Đông giáp huyện Yên Minh; phía Nam giáp huyện Vị Xuyên.


2. Địa hình: Quản Bạ có độ cao trung bình từ 1.000 – 1.600m, gồm nhiều khu vực núi đá vôi nằm sát với chí tuyến bắc, độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Ở khu vực Quản Bạ, lớp thổ nhưỡng hình thành trên nền 3 nhóm đá chính là trầm tích đá hạt mịn bị biến chất hoặc loại đá vôi hay sét vôi và đá lục nguyên hạt vừa và mịn. Quản Bạ có lượng mưa khá lớn nên lớp phủ thổ nhưỡng thường là nhóm đất mùn màu vàng đỏ và mùn xám sẫm, tạo nên thảm thực vật phong phú.


3. Khí hậu: Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, 1 năm chia ra làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 9) và mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau), lượng mưa trung bình khoảng 1.200 mm/năm.


4. Tài nguyên : Mỏ quặng sắt tại xã Quyết Tiến, thủy điện xã Thái An, mỏ mangan xã Nghĩa Thuận,


5. Tiềm năng kinh tế: Thuỷ điện Thái An thuộc xã Thái An được đưa vào vận hành cuối năm 2010 với công suất 82 MW. 12/12 xã của huyện có đường ôtô rải nhựa về đến trung tâm, 100% các xã đã có sóng điện thoại, 100 thôn bản đều có đường liên thôn đi lại thuận tiện. Đất đai ở Quản Bạ thích hợp trồng các loại cây như: Lê, mận, đào, đậu tương, ngô, ớt, hồng, thảo quả… ở các xã Tả Ván, Tùng Vài, Cao Mã Pờ… .Ngoài các loại cây ăn quả, cây dược liệu quý, Quản Bạ còn phát triển vùng sản xuất thực phẩm, rau sạch, hoa chất lượng cao ở các xã Đông Hà, thị trấn Tam Sơn, Quyết Tiến…


6. Văn hoá, xã hội
Diện tích: 534,43 km2
Dân số: 50.000 người (2014).
Mật độ dân số: 93 người/km2
Bao gồm thị trấn Tam Sơn và 12 xã: Cao Mã Pờ, Tùng Vài, Tả Ván, Quyết Tiến, Thanh Vân, Nghĩa Thuận, Bát Đại Sơn, Cán Tỷ, Lùng Tám, Quản Bạ, Đông Hà và Thái An. Quản Bạ là nơi cư trú của 16 dân tộc, trong đó gần 60% là người Mông, khoảng 14% là người Dao, người Tày chiếm 11%, còn lại là các dân tộc khác. Đặc biệt Quản Bạ là địa phương duy nhất có dân tộc Pu Y (hiện chỉ còn 881 người và hầu hết sống tập trung ở xã Quyết Tiến). Người Tày, người Dao Quản Bạ sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước tại các chân ruộng ở ven núi, sông và trồng trọt trên nương rẫy. Ngoài nghề nông, họ còn có thêm thu nhập từ các nghề thủ công như: đan lát, sản xuất nông cụ, mộc, làm đồ gốm, dệt vải… Người Tày thường ở chân núi và sống trong những ngôi nhà sàn, lợp gianh hoặc cọ. Trang phục của người Tày chủ yếu là sắc chàm, phụ nữ chít khăn mỏ quạ, mặc áo năm thân có thắt lưng, đeo vòng cổ, tay, chân bằng bạc. Cộng đồng dân tộc Tày Quản Bạ có một kho tàng về các loại thần thoại, truyện cổ, truyện thơ, dân ca... và những làn điệu then lượn.


7. Tiềm năng du lịch

Khí hậu ở Quản Bạ 4 mùa mát mẻ, tương tự như khí hậu vùng Sa pa (Lào Cai) hay Đà Lạt (Lâm Đồng), Quản Bạ có những thắng cảnh nổi tiếng như: Cổng Trời Quản Bạ, Cổng thành Cán Tỷ, hang Khố Mỷ Tùng Vài, Thạch Sơn Thần xã Quyết Tiến, núi Đôi, Động Lùng Khúy và làng văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm xã Quản Bạ, …ngoài ra, Quản Bạ còn hấp dẫn du khách vì có làng văn hóa thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám với nghề dệt thổ cẩm, làng văn hóa người Tày ở thị trấn Tam Sơn với điệu then đàn tính, lễ cấp sắc người Dao, lễ cầu mùa người Nùng, Tày, lễ gầu tào dân tộc Mông, lễ cúng Thần rừng dân tộc Pu Y, Giấy, Nùng. Hệ thống chợ phiên có từ thứ 3 đến chủ nhật hàng tuần, trong đó chợ trung tâm huyện Quản Bạ chủ nhật, chợ Quyết Tiến thứ 7, chợ Tùng Vài thứ 6, chợ Tráng Kìm thứ 5, chợ Bát Đại Sơn thứ tư, chợ Lùng Tám thứ 3 với rất nhiều sản vật địa phương hết sức phong phú và đa dạng. Du khách khi đến Quản Bạ còn được thưởng thức những món đặc sản như: rượu ngô Thanh Vân, đậu tương, thịt treo, lợn tên lửa, mèn mén, cháo lảo, gà xương đen, lạp xường, thảo quả muối ớt ...


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập