Gương người tốt - việc tốt

QUẢN BẠ NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP

20/03/2019 00:00 152 lượt xem

Phát huy nội lực để phát triển KT – XH, đưa tỉnh ta thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn là một chủ trương lớn của tỉnh, đã và đang được huyện Quản Bạ cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động, trong đó có chương trình KHỞI NGHIỆP. Các tổ chức Đoàn thanh niên đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng tinh thần khởi nghiệp, tạo tính tiên phong, lan tỏa rộng khắp, đồng thời tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Qua 2 năm triển khai thực hiện, chương trình KHỞI NGHIỆP đã thực sự là luồng gió mới thổi vào các tổ chức đoàn đem lại những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

    Tính đến hết năm 2018, toàn huyện Quản Bạ có 208 mô hình khởi nghiệp, trong đó có 118 mô hình khởi nghiệp của thanh niên, 39 HTX và 2 tổ hợp tác do đoàn viên thanh niên làm chủ. Những con số này đã cho thấy sự mạnh dạn đầu tư, quyết tâm phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương còn nhiều khó khăn của thanh niên Quản Bạ. Ở nơi điều kiện đất đai, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất còn nhiều hạn chế, thanh niên huyện Quản Bạ đã không ngại khó, ngại khổ, thực hiện thành công nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao như chăn nuôi trâu bò, lợn rừng, nuôi dúi, phát triển du lịch cộng đồng, các sản phẩm dược liệu... Mỗi sản phẩm bán ra thị trường ngoài yếu tố lợi nhuận kinh tế, còn góp phần không nhỏ quảng bá du lịch cho địa phương, đưa Quản Bạ trở thành một trong những huyện vùng cao có phong trào khởi nghiệp được lan tỏa sôi nổi, rộng khắp.
    Nếu như trước đây, gia đình anh Giàng Mí Sèo, thôn Sán Trồ, xã Bát Đại Sơn nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào cây ngô và cây lúa. Chưa kể mỗi lần mưa bão về, cây ngô, cây lúa bị thất thu. Vất vả là thế, quanh năm "Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Sau khi được cấp Uỷ, chính quyền, các hội, đoàn thể từ huyện đến xã tuyên truyền, vận động thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của huyện, gia đình anh đã chuyển 1 ha diện tích đất trồng ngô sang trồng cỏ để nuôi bò. Qua chăn nuôi bò, với vốn kinh nghiệm được tích lũy, đến nay trong chuồng gia đình anh lúc nào cũng có 8- 10 con bò thương phẩm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mỗi năm trừ chi phí từ mô hình chăn nuôi bò gia đình anh thu được trên 100 triệu đồng.
    Cùng với gia đình anh Sèo, thì gia đình anh Thào Mí Quả cũng là hộ gia đình chăn nuôi mô hình gia trại bò. Đầu năm 2017 dùng số tiền tiết kiệm của gia đình để xây dựng chuồng trại. Khi đó Nghị Quyết 209 của HĐND tỉnh về khuyến khích hỗ trợ phát triển kinh tế, gia đình anh đã mạnh dạn vay 100 triệu để xây dựng chuồng trại, cải tạo khu đất trồng cỏ. Lúc đầu khi mới bắt tay triển khai mô hình chăn nuôi anh còn gặp nhiều khó khăn, trắc trở do thời tiết khí hậu, các kĩ thuật trong công tác phòng chống bệnh, dẫn đến bò sinh trưởng và phát triển chậm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với niềm đam mê nung nấu làm giàu trên chính mảnh đất Sán Trồ, anh Quả chăm chỉ tìm tòi các tài liệu nghiên cứu liên quan đến chăn nuôi để tích cóp kinh nghiệm. Bên cạnh đó anh còn nhiệt tình tham gia các buổi tập huấn về kĩ thuật chăm sóc, chăn nuôi bò tại địa phương.
     Khi "Trời không phụ công người" cũng là lúc mô hình chăn nuôi của anh Quả đạt được những kết quả khả quan ban đầu, bò sinh trưởng phát triển bình thường, nhờ chủ động và tích lũy được những kiến thức chuyên môn trong công tác phòng chống dịch bệnh, nên mô hình bò của anh không có con nào bị mắc bệnh, trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có từ 8 con bò. Có thể nói, mô hình chăn nuôi bò tại xã Bát Đại Sơn đã và đang mang lại hiệu quả tích cực cho các hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn. Ngoài đem lại nguồn thu nhập ổn định, các sản phẩm làm ra đều đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Đây là mô hình cần được triển khai và nhân rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quản Bạ.
    Mô hình vườn rau an toàn rộng hơn 1ha với vốn đầu tư nhà lưới trên 1 tỷ đồng, cùng đàn bò thường xuyên duy trì hơn chục con, đó là tài sản mà chàng trai người Nùng sinh năm 1992 ở thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ đã sớm sở hữu. Để trở thành ông chủ trẻ tuổi như bây giờ, từ năm 19 tuổi, Anh Vàng Dung Trưởng đã dành hầu hết thời gian mỗi ngày để theo dõi, chăm sóc vườn rau sạch của gia đình. Sau khi nghiên cứu các mô hình trồng rau sạch ở địa phương, anh Trưởng đã mạnh dạn đưa các giống rau ngắn ngày như bắp cải, cà chua, củ cải, cải thảo về trồng thay cho việc trồng cây dài ngày trước đây. Thấy mô hình rau sạch của anh Trưởng được chăm sóc cẩn thận, sản phẩm được người dân ưa chuộng, tháng 12/2017, huyện Quản Bạ đã lựa chọn để đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà lưới. Có nhà lưới hiện đại, anh Trưởng đầu tư thêm hệ thống tưới nước trên 1ha, trồng thêm nhiều loại rau trái vụ để tăng lợi nhuận và đa dạng hóa cây trồng. Toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch được đưa về chợ đầu mối thành phố để tiêu thụ, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Trưởng, đồng thời giải quyết việc làm cho 2 lao động địa phương.
    Để tạo nguồn phân bón trồng rau, dựa trên nền tảng nghề chăn nuôi từ lâu của gia đình, anh Trưởng tìm hiểu và đăng ký vay vốn phát triển chăn nuôi bò theo nghị quyết 209. Tháng 8/2015, anh được giải ngân 175 triệu đồng. Số tiền này anh xây dựng chuồng trại, trồng 2ha cỏ làm thức ăn, mua thêm 7 con bò, nâng tổng đàn lên 13 con và nuôi vỗ béo để bán. Năm 2017, sau khi bán 3 con bò, thu về 40 triệu, anh Trưởng tiếp tục mua thêm con giống và dành một phần vốn đầu tư để chăm sóc vườn rau an toàn. Giữ nguyên quan điểm “làm gì cũng phải học”, nên mặc dù hiện nay đã là chủ của mô hình gia trại quy mô lớn của huyện, nhưng anh Vàng Dung Trưởng vẫn luôn dành thời gian mỗi ngày để học hỏi kiến thức, đưa khoa học kỹ thuật về áp dụng trong công việc trồng trọt, chăn nuôi thường ngày.
    Với suy nghĩ, muốn làm giàu không nhất thiết phải trồng cây gì, nuôi con gì, mà quan trọng phải làm việc gì phù hợp với hoàn cảnh và lợi thế của bản thân, chị Lý Hồng Thu ở thôn Nặm Đăm xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đã chuyển đổi công việc chăn nuôi trâu để làm du lịch cộng đồng. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch ở địa phương, năm 2017 chị Thu đã tìm hiểu kinh nghiệm, cách làm homestay ở những gia đình đã thành công để học tập làm theo. Tuy nhiên, thời gian đầu homestay vắng khách, phần lớn các tour du lịch chỉ dẫn khách đến những nhà đã làm từ lâu trong thôn. Quyết tâm không chịu thất bại, chị Thu tự lên mạng học hỏi từ những người bạn biết ngoại ngữ để lập tài khoản và khai thác các tính năng quảng cáo từ mạng xã hội và các trang web như booking.com để đăng tải thông tin giới thiệu về homestay của gia đình. Chấp nhận chi trả mức phí 15% trên một khách du lịch khi đăng ký qua booking.com, song cách làm của chị đã nhanh chóng quảng bá homestay đến với du khách trong nước và nước ngoài.
    Mặc dù không phải mô hình đầu tiên được xây dựng, song homestay của cô gái người Dao sinh năm 1990 Lý Hồng Thu đã nhanh chóng thu hút nhiều khách du lịch đến nghỉ dưỡng, khám phá. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 5 khách du lịch đến homestay. Tại đây, gia đình chị cung cấp các dịch vụ ăn ngủ, cho thuê xe máy, hướng dẫn viên du lịch với chi phí trung bình 220 nghìn đồng/người. Mỗi tháng homestay mang lại doanh thu khoảng 30 triệu đồng, trừ chi phí cũng thu được lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Trong đó số khách đến qua dịch vụ booking.com chiếm đến 75% trên tổng thu nhập từ mô hình homestay.
    Sinh năm 1986, làm chủ mô hình nuôi thỏ mỗi năm xuất bán khoảng 1000 con, nếu không có nghị lực và lòng quyết tâm, anh Vương Quốc Trường – chàng trai không may bị mắc bệnh xương thủy tinh hẳn sẽ không thể nào làm được những việc đó. Không có cơ thể khỏe mạnh, không có đầy đủ chân tay, song những điều đó chưa bao giờ làm anh Trường vơi đi khát khao được lao động và làm giàu bằng chính sức lao động của mình. Năm 2013, mô hình nuôi thỏ của anh được thực hiện với số lượng chỉ 7 con thỏ đầu tiên. Sau 5 năm, nhờ sự chăm sóc khéo léo, đàn thỏ của anh phát triển tốt, ít bị bệnh, cho chất lượng thịt ngon, bán ra thị trường với giá thành 100 nghìn đồng/kg. Trung bình 6 tháng anh xuất bán khoảng 500 con, thu nhập mỗi năm từ chăn nuôi thỏ khoảng hơn 50 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Tấm gương của anh Vương Quốc Trường đã chứng minh rằng chỉ cần có sự quyết tâm thì dù là thanh niên tật nguyền cũng hoàn toàn có thể khởi nghiệp, vượt lên mọi hoàn cảnh trong cuộc sống.
    Đến nay, trên địa bàn huyện Quản Bạ có trên 200 mô hình khởi nghiệp, trong đó có 194 mô hình khởi nghiệp của thanh niên, 9 HTX và 1 tổ hợp tác do đoàn viên thanh niên làm chủ. Riêng trong năm 2017 toàn huyện có 213 thanh niên khởi nghiệp được vay vốn theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh với số tiền trên 19 tỷ đồng; vay theo Nghị quyết 32 của HĐND huyện có 41 người với số tiền trên 2,4 tỷ đồng; 583 người vay Ngân hàng chính sách trên 24 tỷ đồng. Bên cạnh các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, một trong những cách làm hay, hiệu quả mà huyện Quản Bạ đã triển khai là: Tổ chức các Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp để đoàn viên thanh niên có cơ hội đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo huyện, lãnh đạo địa phương về những băn khoăn, vướng mắc trong chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với thanh niên khởi nghiệp; các doanh nhân thành đạt, mô hình kinh tế tiêu biểu có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp cho các đoàn viên thanh niên. Qua đó, tiếp thêm động lực cho thanh niên có mong muốn khởi nghiệp phấn đấu thực hiện.
Qua triển khai thực tế, nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên Quản Bạ còn thiếu về: Kiến thức, kỹ thuật, không có tài sản thế chấp để vay vốn... Khi yêu cầu làm đề án xin vay vốn thì cảm thấy khó khăn vì mới chỉ làm tự phát, chưa có sự định hướng, mạnh dạn đầu tư thành mô hình lớn. Chính vì vậy, để nhân rộng các mô hình thanh niên khởi nghiệp, Huyện đoàn Quản Bạ đã mời các Đoàn trường như Đại học Kinh tế Quốc dân lên tổ chức lớp tập huấn về quản trị kinh doanh cho Đoàn viên thanh niên, tham mưu cho UBND huyện thành lập Ban hỗ trợ phát triển khởi nghiệp, giúp đỡ tư vấn cho thanh niên. Đồng thời phối hợp với nhiều cơ quan đơn vị để tổ chức tập huấn cho thanh niên các kỹ năng như: liên kết trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cách đưa sản phẩm ra thị trường...
Khởi nghiệp trong thanh niên đang là vấn đề được nhiều bạn trẻ nhắc tới, tìm kiếm thường xuyên. Với tư duy đổi mới, ý chí vươn lên mạnh mẽ, cùng trái tim bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ luôn khắc ghi lời rặn dò của Bác: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có Thanh niên”, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện Quản Bạ đã mạnh dạn khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Có người đã thành công, có người vẫn đang trong quá trình khẳng định mình. Nhưng tất cả các mô hình khởi nghiệp đó đã mang đến tinh thần khởi nghiệp, truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực cho nhiều bạn trẻ đang chưa tìm thấy lối đi. Đồng thời khẳng định nếu có đủ nỗ lực và quyết tâm thì bất cứ thanh niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn Quản Bạ đều có thể vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, để “chắp cánh” cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên huyện vùng cao như Quản Bạ có thể khởi nghiệp trẻ thành công và duy trì lâu dài, rất cần sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các bộ, ban, ngành, đoàn thể, nhất là chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp trên toàn tỉnh./.

 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập