Văn hóa - Xã hội

Cây Khèn Mông của nghệ nhân Hùng Đình Quý.

25/12/2020 03:44 32 lượt xem

Với người dân tộc Mông, cây Khèn được coi là tín vật tâm linh, tiếng Khèn là đại diện tiêu biểu cho nét đẹp trong văn hóa, đời sống, sinh hoạt của đồng bào. Vì vậy, nhiều năm nay cây Khèn luôn có quan hệ, gắn bó mật thiết với người dân tộc Mông, với âm thanh trầm bổng, vang vọng, và thanh thoát.

Tìm về gia đình anh Hùng Đình Quý, thôn Lùng Cáng, xã Thanh Vân nghệ nhân thổi Khèn Mông có tiếng không chỉ ở thôn, ở xã mà còn là 1 trong những nhân tố quan trọng trong công tác bảo tồn, lưu giữ và phát huy những nét đẹp của cây Khèn Mông tại huyện Quản Bạ. Sinh ra và lớn lên trong tiếng Khèn mông trong trẻo, nguyên sơ của dân tộc mình. Nhiều năm gắn bó với cây Khèn, nghệ nhân Hùng Đình Quý nắm rõ được từng giai điệu, nhịp điệu của tiếng Khèn. Và sở thích cũng như đam mê duy nhất của nghệ nhân Quý là làm bạn với cây Khèn Mông của dân tộc mình.
Với lo lắng cây Khèn Mông bị mai một, đặc biệt tại địa phương hiện số lượng người làm Khèn Mông chỉ còn 1, nhưng tuổi đã cao, với mong muốn phát huy nghề và lưu giữ tiếng Khèn trong trẻo của dân tộc mình, nghệ nhân Hùng Đình Quý đã tìm tòi và học cách chế tác Khèn Mông của các bậc cao niên dân tộc Mông trong tỉnh. Sau nhiều năm miệt mài học hỏi, đầu năm 2018 cây Khèn đầu tiên của anh Quý chế tác đã được hoàn thành.
Nghệ nhân Hùng Đình Quý vui vẻ cho biết: Để chế tác ra 1 cây Khèn Mông được coi là tuyệt mỹ của linh hồn người dân tộc Mông, trước hết cây Khèn phải đảm bảo độ chuẩn về âm thanh, kích thức bầu khèn, ống khèn phải đảm bảo. Vật liệu để làm Khèn Mông gồm: Bầu Khèn được làm từ cây thông đá mọc ở rừng đá cao, 06 ống của cây Khèn được làm từ cây trúc nhỏ, đủ độ già và các lá thép đồng nguyên chất để tạo âm thanh. Và trải qua 11 công đoạn đòi hỏi sự cẩn thận, tỷ mỉ của người chế tác Khèn Mông. Một cây Khèn chuẩn sẽ có thời gian sử dụng từ 10 đến 15 năm, có cây dùng được đến 30 năm.
Với phong tục truyền nghề cho con trai độc đinh, nghề chế tác Khèn và thổi Khèn Mông được nghệ nhân Quý truyền lại cho người con trai cả. Giờ đây, công việc làm Khèn được hai bố con nghệ nhân Quý cùng thực hiện. Trung bình nếu sẵn vật liệu và làm không nghỉ từ sáng đến tối, nghệ nhân Quý sẽ chế tác xong một cây Khèn hoàn chỉnh. Với giá bán là từ 2 triệu đồng- 3,5 triệu đồng/ cây. Anh Hùng Ngọc Sỹ, Con trai Nghệ nhân Hùng Đình Quý trao đổi thêm: Bố truyền nghề chế tác Khèn Mông cho tôi được hơn 5 tháng, hiện tôi đang làm ở công đoạn thứ 11 là hoàn thành cây Khèn đảm bảo mặt thẩm mỹ; Chế tác Khèn có nhiều chi tiết rất khó, nhưng mình đã quyết tâm theo đuổi, thì cố gắng theo đuổi đến cùng cái nghề bố truyền cho và cũng là góp phần giữ gìn nét văn hóa cây Khèn Mông của dân tộc mình.
Trong năm 2020, nghệ nhân Quý cùng con trai đã chế tác được 80 cây Khèn Mông. Toàn bộ Khèn Mông sau khi được chế tác hoàn thiện sẽ được bán về các huyện trong tỉnh và một số tỉnh bạn như Cao bằng, Sơn La. Đặc biệt, với âm thanh chuẩn, hình thức đẹp trong năm 2020, 45 cây Khèn của nghệ nhân A Quý đã được xuất sang thị trường quốc tế như: Mỹ, Trung Quốc. Từ bao đời, cây Khèn đã gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, nó còn được coi là món ăn tinh thần của bà con đồng bào người Mông. Tiếng Khèn mang ý nghĩa tâm linh gắn liền với nhiều phong tục truyền thống thể hiện sự hướng thiện trong tâm người chế tác, người thổi. Chế tác Khèn Mông không chỉ là hình thức lưu giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc và đây được coi là một sản phẩm du lịch tiềm năng để phát triển lĩnh vực du lịch trải nghiệm, du lịch truyền thống tại huyện Quản Bạ. Tin rằng, trong thời gian tới cây Khèn của nghệ nhân A Quý thôn Lùng Cáng nói riêng và của dân tộc Mông trên địa bàn huyện Quản Bạ nói chung sẽ được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến; Tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Thương mại, du lịch, dịch vụ của địa phương phát triển, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo bền vững.
 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập