Văn hóa - Xã hội

Đẩy mạnh văn hóa đọc sách trong các đơn vị trường học.

19/04/2024 08:31 26 lượt xem

“Sách là kho tàng tri thức vô tận; sách là chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ. Đọc sách là một trong những phương pháp tiếp nhận kiến thức có tính hiệu quả cao”. Xác định được vai trò, tầm quan trọng của sách, những năm qua việc đẩy mạnh văn hóa đọc sách trong các đơn vị trường học tại huyện Quản Bạ được chú trọng thực hiện.

Đẩy mạnh văn hóa đọc sách trong các đơn vị trường học.
Đẩy mạnh văn hóa đọc sách trong các đơn vị trường học.

Để xây dựng văn hóa đọc sách trong các đơn vị trường học không chỉ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên mà cả các em học sinh. Ngành giáo dục và đào tạo huyện Quản Bạ đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, hình thành văn hóa đọc cho học sinh thông qua: Ngày hội văn hóa đọc; xây dựng các mô hình văn hóa tự học, tự đọc như mô hình cây nhân cách 03 gốc, rễ; xây dựng các góc học tập; thư viện trong và ngoài lớp học; thư viện xanh; thư viện truyền thống; hoạt động ngoại khóa thi kể chuyện, vẽ tranh, giới thiệu cuốn sách mà em yêu thích... Cùng với đó, việc xây dựng tủ sách và luân chuyển đầu sách được thực hiện thường xuyên, các đầu sách chủ yếu về kiến thức khoa học, giáo dục văn hóa truyền thống, lịch sử, truyện tranh cổ tích. Những năm gần đây, khi cơ sở vật chất của các nhà trường ngày càng được quan tâm, đầu tư khang trang hơn, thì việc đọc sách của các em học sinh cũng được thuận tiện hơn rất nhiều. Ngoài các giờ học trên lớp, các em học sinh đã chủ động đến thư viện của nhà trường để đọc sách vào giờ ra chơi, giải lao. Trong đọc sách, các em học sinh được thầy, cô giáo khuyến khích viết cảm nhận về nội dung cuốn sách đã đọc, góp phần thôi thúc các em tích cực đọc, rèn kỹ năng viết và thể hiện suy nghĩ.

 Để lan tỏa văn hóa đọc sách trở thành phong trào thi đua trong các đơn vị trường học, thời gian tới, từ nguồn xã hội hóa các đơn vị trường học tại huyện Quản Bạ sẽ tiếp tục đầu tư, trang bị các tủ sách đa dạng dành cho thầy, cô giáo và các em học sinh; đồng thời khuyến khích các em chịu khó tìm tòi, học hỏi không chỉ kiến thức trong học tập mà còn cả kiến thức về cuộc sống tạo tiền đề hình thành thói quen cho các em trong việc đọc sách. Việc phát triển văn hóa đọc cho học sinh chính là một trong những hoạt động, điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy - học, giúp hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học và học tập suốt đời của mỗi học sinh, góp phần hình thành và lan tỏa văn hóa đọc trong môi trường giáo dục.

Hoàng Chính

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập