Văn hóa - Xã hội

Chuyện dạy học tại vùng biên Bát Đại Sơn.

08/12/2020 15:19 40 lượt xem

Với sự gồng mình, vượt qua những khó khăn, thiếu thốn của địa phương. Cùng sự tâm huyết, lòng yêu nghề, mến trẻ, trong những năm qua, tập thể sư phạm trường mầm non Bát Đại Sơn đang từng ngày vươn mình, nỗ lực, với mong muốn duy nhất, mang tình yêu thương vô bờ của người giáo viên đến với trẻ em vùng cao.Và câu chuyện dạy học tại vùng biên này cũng từ đó kết thành những bài thơ đẹp giữa người giáo viên nhân dân với đồng bào.

Năm học 2020- 2021, trường MN Bát Đại Sơn có 20 nhóm lớp, 4 nhóm trẻ, 16 lớp mẫu giáo, mặc dù biên chế giáo viên còn hạn hẹp, số lượng trẻ qua từng năm học đều tăng, song với lòng yêu nghề, mến trẻ của nhữngngười mẹ hiền thứ 2 nơi đây, họ đã không ngần ngại mọi việc, chăm sóc những đưa trẻ bằng chính cái tâm của mình. Là một giáo viên trẻ, có khoảng thời gian gắn bó với các em nhỏ tại Bát Đại Sơn từ những ngày đầu mới bước vào nghề giáo, cô giáo Hà Thị Chuyền có nhiều kỷ niệm tại mảnh đất biên giới này. Từ những lần đi bộ 3- 4 tiếng vượt qua những con đèo, con núi để lên với điểm trường cao thôn Xà Phìn, cho đến những lần đi từng thôn, từng ngõ rà soát và vận động các bậc phụ huynh cho con đến trường đi học. Và có lẽ, đôi vai gầy của cô giáo trẻ này đã thấu nhiều nỗi vất vả, cả sương sớm, tối muộn bên trẻ, bên đồng bào và trên những trang giáo án nhỏ. Cô giáo Hà Thị Chuyền, giáo viên trường Mầm non Bát Đại Sơn vui vẻ nói: Vì chúng tôi là những người giáo viên vùng cao, được sự quan tâm của các cấp cũng như là sự tâm huyết, lòng yêu nghề mến trẻ. Mặc dù trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, song chúng tôi sẽ quyết tâm hơn trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, những mầm non tương lai của vùng cao thật tốt.
Cô giáo Hà Thị Chuyên, Hiệu trưởng trường Mầm non Bát Đại Sơn cho biết: Để tạo sự thích thú, tò mò cuốn hút trẻ đến trường, hết giờ lên lớp các cô giáo của nhà trường lại tỉ mẩn bên những bồn hoa, cây cảnh, xây dựng những góc vui chơi cho trẻ, thu hút trẻ tới trường, tới lớp. Vận động các bậc phụ huynh trong việc huy động nhân lực, vận lực, xã hội hóa vào các buổi thứ 6 hàng tuần đóng góp công lao động tiến hành chỉnh trang và xây dựng các góc như: Góc truyền thống, thư viện ngoài trời, vườn hoa và khu tăng gia sản xuất. Vì vậy, tỷ lệ chuyên cần, duy trì sĩ số các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo của nhà trường luôn đạt 99,5%.
Với những người thầy, người cô nơi đây khi mang trên vai “cái” nghề cao quý này họ chính là những bông lan bất tử, mãnh liệt đang từng ngày lan tỏa hương thơm, sự yêu thương cho trẻ em vùng biên. Mong rằng trong thời gian tới trường MN Bát Đại Sơn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của các tổ chức chính trị xã hội, tập thể, cá nhân mạnh thường quân để ngành giáo dục vùng biên viễn này phần nào vơi bớt những khó khăn của thực tế. Và câu chuyện dạy học trên vùng biên sẽ tiếp tục là một hành trình dài, ấm áp, đại diện cho tinh thần nhiệt huyết của các thầy, cô giáo trên mảnh đất vùng biên Bát Đại Sơn nói chung và trên rẻo đất vùng cao Quản Bạ nói chung.
 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập