Văn hóa - Xã hội

Bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông.

26/02/2021 12:35 94 lượt xem

Huyện Quản Bạ là huyện cửa ngõ của Cao nguyên Đá Đồng Văn, với đặc thù là địa phương đa dạng về thành phần dân tộc như: Mông, Dao, Tày, Nùng, Bố y, nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của từng dân tộc được lưu giữ. Dân tộc Mông là dân tộc chiếm tỷ lệ cao tại huyện Quản Bạ, thực tế cho thấy người dân tộc Mông có nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống về kiến trúc nhà ở, trang phục và đời sống tâm linh. Với tiềm năng, lợi thế về lĩnh vực du lịch cộng đồng, trải nghiệm các hoạt động lễ hội, nét đẹp văn hóa truyền thống, huyện Quản Bạ đã thực hiện bền vững công tác bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông.

Độc đáo văn hóa của người dân tộc Mông, trước hết phải kể đến cây Khèn Mông, đây chính là nét đẹp từ bao đời của dân tộc này, cây Khèn và điệu múa Khèn chính là tiếng thổn thức trong đời sống tâm linh với tiếng khèn trong trẻo, điệu múa uyển chuyển. Toàn huyện Quản Bạ hiện có 03 nghệ nhân làm nghề chế tác Khèn Mông, trong đó 02 nghệ nhân tại xã Thanh Vân, 01 nghệ nhân tại xã Thái An. Để chế tác ra 01 cây Khèn Mông được coi chuẩn về âm thanh, nhịp điệu. Nghệ nhân chế tác Khèn phải thực hiện 11 công đoạn, từng công đoan phải quan trọng về chất liệu, tính tỉ mĩ và thẩm mỹ. Đến nay nhiều cây Khèn Mông của huyện Quản Bạ đã được quảng bá vươn tầm trên thị trường quốc tế.
Nét đẹp văn hóa của người dân tộc Mông tại huyện Quản Bạ còn được thể hiện trên những bộ trang phục truyền thống của dân tộc. Từng đường thêu, mũi chỉ được các chị, em phụ nữ người dân tộc Mông thực hiện hết sức tỷ mỉ, khéo léo và được trang trí nhiều hoa văn độc đáo với biểu tượng, ý nghĩa khác nhau về cuộc sống thường ngày, cầu sức khỏe, cầu bình an, mưa thuận gió hòa. Đến nay toàn huyện Quản Bạ đã hình thành 02 HTX và 01 tổ sản xuất về thêu, dệt, hoàn thiện các sản phẩm trang phục quần áo của người dân tộc Mông.
Cùng với đó, những năm trở lại đây huyện Quản Bạ đã sưu tầm, ghi chép và tổ chức thành công tác lễ hội đặc trưng của người dân tộc Mông đó là: Lễ hội thêu, dệt vải lanh; Lễ hội gầu tào.... Việc tổ chức thành công các lễ hội trên của huyện Quản Bạ mang 2 tầng ý nghĩa sâu sắc đó là tạo sân chơi giao lưu dành cho đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn và tích cực quảng bá những nét văn hóa độc đáo này đến du khách trong và ngoài tỉnh khi đến huyện Quản Bạ thăm quan, lưu trú, nghỉ dưỡng.
Ông Lò Sỉ Chảo, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy- Chủ tịch HĐND huyện Quản Bạ trao đổi: Hiện nay trên địa bàn huyện Quản Bạ có Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm; Làng văn hóa cộng đồng thôn Khố Mỷ; Khu du lịch sinh thái H’Mong village Tráng Kìm; Làng văn hóa du lịch dân tộc Bố Y đang thu hút khá đông lượt khách du lịch đến thăm quan trải nghiệm, chính vì vậy xác định lĩnh vực du lịch gắn với bảo tồn văn hóa là hướng đi bền vững, Đảng bộ huyện Quản Bạ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch giai đoạn 2020- 2025, trong đó là phải làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống. Riêng về dân tộc Mông, huyện đã khuyến khích các nghệ nhân dân gian duy trì bảo tồn nghề chế tác Khèn Mông, thực hiện giảng dạy các bài Khèn Mông phục vụ cho đám hiếu, đồng thời loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan. Tin tưởng rằng, tới đây từ cây Khèn cho đến các bộ trang phục truyền thống và còn nhiều yếu tố văn hóa độc đáo khác của người dân tộc Mông trên địa bàn huyện Quản Bạ sẽ là những địa chỉ đỏ về văn hóa truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Thương mại, du lịch, dịch vụ của địa phương phát triển, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo bền vững.
 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập