Văn hóa - Xã hội

Hiệu quả từ thư viện trường học

12/03/2021 03:31 48 lượt xem

Nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn huyện đã quan tâm đầu tư, đổi mới thư viện trường, giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách, kỹ năng học tập suốt đời, tiêu biểu như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Quản Bạ.

 Trường Tiểu học Quản Bạ đọc sách trở thành một hoạt động không thể thiếu sau mỗi giờ ra chơi hay đầu giờ học của các em học sinh. Những cô bé, cậu bé ngồi tụm năm, tụm ba trong thư viện hay ngay trên lớp học đã trở thành nét đẹp riêng của ngôi trường này. Em Lý Thị Nga, lớp 5A chia sẻ "Học tập tại trường được 5 năm,  em luôn chọn điểm đến là thư viện mỗi giờ ra chơi và sau mỗi giờ học. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm và cán bộ thư viện, em tự chọn cho mình những cuốn truyện tranh lý thú, bổ ích. Qua những câu chuyện em giúp được nhiều điều hay, bổ ích, học được những đức tính tốt từ nhân vật trong chuyện". Đặc biệt hơn vào đầu năm học 2019 – 2020, Trường PTDTBT Tiểu học xã Quản Bạ được lựa chọn là 1 trong 5 trường tiểu học trên địa bàn huyện, làm thí điểm mô hình Thư viện thân thiện Room to Read (tổ chức phi Chính phủ của Mỹ) hỗ trợ. Một trong những hoạt động quan trọng của chương trình là tổ chức tiết đọc thư viện, được đưa vào thời khóa biểu của nhà trường, với 4 hoạt động đọc chính gồm: Đọc to nghe chung, cùng đọc, đọc cặp đôi, đọc cá nhân và các hoạt động mở rộng.

Sau mỗi giờ ra chơi các em lại chọn thư viện là điểm đến để đọc những cuốn truyện tranh

 Thực hiện chương trình, trường PTDTBT tiểu học Quản Bạ đã xây dựng một thư viện có diện tích 195 m2 gồm 1 phòng thư viện, 1 phòng đọc, kho để sách. Ngoài phòng thư viện, nhà trường còn có Thư viện xanh ngoài trời rộng rãi, thoáng mát, từng góc đọc được trang trí bắt mắt, hấp dẫn để học sinh có thể thoải mái đọc sách. Xác định khơi dậy và bồi đắp niềm ham thích đọc sách cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, Trường Tiểu học Quản Bạ cũng đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong hoạt động của thư viện trường, bố trí sắp xếp ngăn nắp, phân loại mã màu theo lớp thuận tiện cho việc mượn sách của học sinh. Hằng năm, trường thường cân đối ngân sách để mua bổ sung sách mới, đến thời điểm này thư viện có hơn 4 nghìn cuốn truyện và hơn 2 nghìn cuốn truyện quyên góp từ cán bộ giáo viên thuộc các thể loại như: Sách tham khảo, sách thiếu nhi, sách khoa học, truyện tranh, phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh.... 

 Có thể khẳng định, thư viện của trường học đã tạo được thói quen đọc sách, hình thành văn hóa đọc cho học sinh, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đến nay, 100% các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã có thư viện. Có thể khẳng định đọc sách là một thói quen rất có ý nghĩa, đặc biệt là đối với học sinh. Việc tạo cho học sinh có thói quen, ý thức đọc sách là rất cần thiết trong các nhà trường, do đó, các trường cần quan tâm đầu tư xây dựng thư viện, luôn đổi mới, chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú gắn với thư viện và hoạt động đọc của học sinh, góp phần khơi dậy đam mê đọc sách, thói quen đọc sách, giúp các em tích lũy tri thức, kỹ năng sống trong sinh hoạt hàng ngày./.
 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập