Văn hóa - Xã hội

Huyện Quản Bạ: Bảo tồn và phát huy các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

17/04/2019 00:00 220 lượt xem

Huyện Quản Bạ là 1 trong 4 huyện vùng cao nằm ở phía Bắc của tỉnh Hà Giang, là huyện cửa ngõ của công viên địa chất Cao nguyên đá. Quản Bạ được thiện nhiên ưu đãi ban tặng nhiều quần thể danh lam thắng cảnh mang vẻ đẹp huyền bí và hoang sơ như: Thạch Sơn Thần, Miếu Làng Đán ( xã Quyết Tiến) Động Lùng Khúy, Du lịch làng văn hóa cộng đồng thôn Nặm Đăm (xã Quản Bạ) gắn với đó là nhiều nét văn hóa truyền thống của bà con đồng bào trên địa bàn huyện như: Lễ hội dệt lanh, Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, Lễ hội bắt cá, lễ hội quét đường của dân tộc Dao....

    Xác định muốn phát triển nền kinh tế của huyện nhà, trước hết phải dựa, khai thác trên nền tảng các tiềm năng sẵn có của địa phương. Chính vì vậy trong những năm qua, Huyện Quản Bạ luôn chú trọng, quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các lễ hội mang đậm giá trị văn hóa của bà con đồng bào, bởi đây được coi "phần hồn cốt lõi" để phát triển lĩnh vực du lịch khám phá gắn với các hoạt động trải nghiệm nét văn hóa truyền thống. Từ đó đã tạo động lực vững chắc để thu hút khách du lịch đến tham quan và thưởng ngoạn cảnh đẹp tại huyện.
    Các lễ hội tại huyện Quản Bạ chủ yếu được tổ chức vào dịp cuối năm và dịp ra xuân năm mới. Chỉ tính riêng 2 tháng cuối năm và quý I năm 2019, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn của Huyện Quản Bạ đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp, tổ chức được nhiều lễ hội trong đó đơn cử là Lễ hội thêu, dệt vải lanh truyền thống của dân tộc Mông huyện Quản Bạ được khai mạc diễn ra trong 2 ngày 23 - 24/12/2018, nghề dệt lanh là nghề truyền thống của dân tộc Mông từ lâu đời, tại lễ hội này khán giả và du khách sẽ được chiêm ngưỡng các nghi lễ và các phần thi tái hiện lại các công đoạn làm ra 1 sản phẩm vải thổ cẩm từ lanh như: Dâng hương tổ nghề lanh, thực hiện các công đoạn của nghề dệt lanh như tước sợi, nối sợi, se sợi lanh nhanh, thi dệt lanh nhanh, lăn vải lanh nhanh, thêu hoa văn trên vải lanh. Đã thu hút được nhiều lượt khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm với các sản phẩm truyền thống từ vải lạnh.


     Cô gái dân tộc Mông ngồi dệt lanh truyền thống bên khung cửi.

    Được coi là "món ăn" tinh thần truyền thống từ xa xưa, với mong muốn cầu mùa, cầu phúc, cầu bình an đến cho bà con đồng bào trong thôn, bản. Lễ hội bắt cá của dân tộc Dao tại xã Quản Bạ được bà con đồng bào dân tộc Dao nơi đây gìn giữ nhiều năm qua. Được tổ chức vào dịp tết thanh minh mùng 3/3 (âm lịch) tại lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa gắn với lễ hội như: Các điệu múa truyền thống cầu mùa, trích đoạn lễ cấp sắc của người Dao đỏ. Ông Thào Thái Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Quản Bạ cho biết: "Hiện nay xã Quản Bạ đang có rất nhiều tiềm năng và cơ hội về lĩnh vực du lịch. Đặc biệt là phát triển du lịch cộng động tại thôn Nặm Đăm gắn với các sản phẩm dược liệu. Chính vì vậy, việc bảo tồn và tổ chức lễ hội bắt cá và các lễ hội khác trên địa bàn xã là hết sức quan, đây là 1 trong những nhân tố quyết định góp phần không nhỏ vào thu hút khách du lịch đến tham quan, lưu trú tại xã Quản Bạ".

Sôi nổi phần thi bắt cá tại lễ hội truyền thống của người dân tộc Dao tại xã Quản Bạ.

    Mỗi một lễ hội của bà con đồng bào tại huyện Quản Bạ, được tổ chức với nhiều mục đích ý nghĩa khác nhau, mang nét đặc trưng của từng dân tộc anh em trên địa bàn huyện. Vì vậy, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện, xã tổ chức và gìn giữ các lễ hội, bà con đồng bào tại các địa phương đều đồng tình, hưởng ứng cao. Bởi với họ những nét văn hóa truyền thống này chính là món ăn tinh thần, 1 phần gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày được lưu giữ và truyền lại trong nhiều thế hệ. Ông Lý Đại Thông, người dân thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ phấn khởi chia sẻ: "Lễ hội bắt cá là lễ hội truyền thống của dân tộc Dao chúng tôi có từ rất lâu đời, giờ được huyện, xã quan tâm tổ chức có quy mô như vậy bà con chúng tôi ai cũng thấy phấn khởi. Vì lễ hội này được coi văn hóa tinh thần của người Dao chúng tôi"

    Với mục tiêu giữ gìn những giá trị nguyên gốc của lễ hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân, tăng cường tình cảm đoàn kết cộng đồng, huyện Quản Bạ đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện tốt các công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tính để đảm bảo các nét văn hóa truyền thống được giữ gìn một cách trong sáng, phù hợp nhất. Tăng cường công tác quản lý tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội từ đó đã tạo cái nhìn thiện cảm từ du khách khi đến tham quan các lễ hội tại huyện. Ông Sèn Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: "Chúng tôi xác định, huyện Quản Bạ là điểm đến đầu tiên của công viên cao nguyên đá Đồng Văn, vì vậy huyện cũng có nhiều thế mạnh, tuy nhiên cũng có những khó khăn nhất định. Trên cơ sở đó chúng tôi tập trung vào một số điểm nhấn trong lĩnh vực du lịch đó là Du lịch cộng đồng; Phát huy các nét văn hóa, bản sắc dân tộc gắn với du lịch khám phá, trải nghiệm tạo sự mới mẻ cho du khách. Đồng thời, chúng tôi xác định mục đích của việc tổ chức cá lễ hội là Bảo tồn văn hóa của các dân tộc, đồng thời để nhân dân tại các thôn, bản của các địa phương trên địa bàn huyện có cơ hội giao lưu, học hỏi gắn kết tình đoàn kết giữa các dân tộc, từ đó để mở rộng thêm các nghề, làng nghề truyền thống tại huyên. Từ những yếu tố đó, sẽ giúp lĩnh vực Du lịch khám phá tại huyện ngày càng phát triển trên cơ sở bền vững, lâu dài, có hiệu quả".
     Trong thời gian tới, huyện Quản Bạ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các công tác tổ chức, bảo tồn và lưu giữ các lễ hội, nét đẹp truyền thống của các dân tộc anh em tại huyện, từ đó sẽ nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp và các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Góp phần thúc đẩy và quảng bá nhiều nét đẹp văn hoá của huyện nhà đến các du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan và thưởng ngoạn.

 


 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập