Chính trị

1953- Ấm áp của sự chia sẻ.

18/03/2021 11:09 35 lượt xem

Khi về thăm huyện vùng cao Quản Bạ, không khó để nghe về những câu chuyện nghĩa tình trên từng ngôi nhà mang tên 1953 của Tỉnh ủy được thực hiện tại huyện. 275/275 ngôi nhà trong giai đoạn 1 của chương trình hỗ trợ cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo đã được huyện Quản Bạ hoàn thành trên tinh thần tương thân, tương ái, với tấm lòng chia sẻ. Niềm vui trong mỗi ngôi nhà mang tên 1953 của Tỉnh ủy tại huyện đã và đang là nền tảng vững chắc để các hộ gia đình có thêm điều kiện sinh kế tốt hơn trong cuộc sống. Và “cảm ơn Đảng” chính là cảm xúc chung của mỗi hộ gia đình khi nhận được sự hỗ trợ từ chương trình này.

Cuối tháng 7 năm 2019, luồng gió của chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho người có công, CCB nghèo, hộ nghèo đặc biệt khó khăn tại các xã biên giới theo quyết định 1953 của BTV Tỉnh ủy được thổi về từng thôn, xóm bản làng, những vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Nhận thức rõ đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tinh thần uống nước nhớ nguồn, biết ơn tới thế hệ cha, ông người có công với cách mạng; San sẻ thấu hiểu đối với người yếu thế về sức khỏe và kinh tế. Ngay sau khi chương trình chính thức được khởi động. Huyện Quản Bạ đã tiến hành thành lập 01 BCĐ cấp huyện và 13 BCĐ cấp xã, thị trấn về chương trình này. Đồng thời đề ra những phương châm, tiêu chí và giải pháp để triển khai, thực hiện chương trình đúng, trúng với các nội dung của Tỉnh ủy đã đề ra. Tiến hành rà soát từng hộ gia đình thuộc 03 đối tượng trên tại các xã, thị trấn, trong đó tuyệt đối đảm bảo đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh, toàn huyện Quản Bạ đã rà soát được 513 hộ đủ điều kiện được thụ hưởng. Đã thực hiện hỗ trợ được 295/513 hộ, trong đó giai đoạn 1 đã có 275/275 ngôi nhà kiên cố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ngôi nhà nan tre, vách nứa, mái lột dột thủng của gia đình bà Lò Thị Mo, thôn Lùng Khúy, xã Quản Bạ nay có lẽ chỉ còn là trong tâm trí xa vời của bà. Là người già đơn thân, không nơi nương tựa toàn bộ cuộc sống của bà đều trông cậy vào những hốc đá trên núi, hốc nào có đất thì trồng được cây ngô cằn, tưởng chừng ở cái tuổi ngoài 60 bà Mo sẽ chỉ còn dựa vào đá và túp lều xiêu vẹo để sống. Song từ điểm tựa vững chắc và sự chia sẻ của Đảng, sự góp công, góp sức của huyện, xã và nhân dân trong thôn, từ nguồn hỗ trợ của chương trình 1953 của Tỉnh ủy với 60 triệu đồng. Chỉ sau 1 tháng khởi công xây dựng, ngôi nhà mái lợp tôn xanh, nền lát gạch hoa sạch sẽ, kiên cố rộng 50 mét vuông đã được bàn giao cho bà Mo trong niềm vui của cấp ủy, làng xóm và của bản thân bà.
Bà Lò Thị Mo, thôn Lùng Khúy, xã Quản Bạ xúc động cho biết: trước đây cuộc sống của tôi rất khó khăn, sống ở trong ngôi nhà lụp xụp, quần áo không có, chăn màn không có, rất vất vả. Được sự quan tâm của tỉnh, của huyện, xã và bà con nhân dân trong thôn hỗ trợ tiền, công lao động làm nhà ở kiên cố. Nay được ở trong ngôi nhà cấp 4 mái lợp tôn xốp, nền lát gạch hoa tốt quá rồi. Tôi xin cảm ơn Đảng, nhà nước luôn quan tâm đến người già đơn thân như có hoàn cảnh khó khăn như tôi.
Trở lại miền đất Bảo An trù phú về nông nghiệp của thị trấn Tam Sơn, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình CCB nghèo Đặng Xuân Cương, ông Cương là bộ đội tại chiến trường 66, khu vực Viên Chăn, nước Lào từ năm 1966 – 1974. Hơn 8 năm gắn bó với quân ngũ, chiến trường, nhiều lần vào sinh ra tử, tưởng chừng như sẽ mãi nằm lại đất nước bạn trong thời chiến. Tuy nhiên, may mắn hơn nhiều đồng đội, ông được trở về với quê hương, gia đình, người thân, thế nhưng chiến tranh đã lấy đi 1 phần sức khỏe của ông. Khi ở cái tuổi quá lục tuần, tưởng chừng như 02 vợ chồng phải ở mãi với ngôi nhà gỗ đã xiêu vẹo, xong luồng sáng, sự ấm áp từ chương trình 1953, gia đình ông Cương được hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng ngôi nhà kiên cố, có tổng diện tích trên 100 mét vuông, mái lợp tôn, nền lát gạch hoa, có sân bê tông vuông vắn sạch đẹp. Vậy là được ở trong ngôi nhà kiên cố, khang trang, nơi che mưa, tránh nắng đảm bảo không còn là giấc mơ của đôi vợ chồng già.
Ông Đặng Xuân Cương, Thôn Bảo An, TT Tam Sơn chia sẻ: trước đây hai vợ chồng tôi ở trong ngôi nhà gỗ đã xuống cấp, bản thân sức khỏe bị ảnh hưởng do chiến tranh nên thường xuyên đau ốm, giờ thêm tuổi cao việc di chuyển của tôi càng khó khăn hơn, cũng không phụ giúp gì cho gia đình. Giữa năm 2019 gia đình tôi nhận được hỗ trợ 60 triệu đồng theo chương trình làm nhà ở cho người có công, CBB nghèo, hộ nghèo, đến nay ở trong ngôi nhà kiên cố hai vợ chồng tôi rất an tâm mỗi khi mưa to, gió lớn.
Những ngày mưa phùn sau xuân, chúng tôi có dịp trở lại thăm hộ gia đình anh Ngũ Chính An, thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến. Vào cái tuổi hơn 30 nhưng bản thân anh An lại không may mắn mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, toàn thân bị liệt. Mọi gánh nặng của gia đình cho người vợ trẻ với 2 đứa con thơ. Thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn đó của gia đình anh An, chương trình 1953 đến với gia đình anh như một cánh cửa sinh kế, giờ đây trong ngôi nhà ấm áp nghĩa tình của tỉnh và sự góp công, góp sức của huyện, của xã cùng bà con trong thôn, gia đình anh An đã có một ngôi nhà kiên cố, đảm bảo để ở. Đặc biệt hơn, thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, huyện Quản Bạ đã huy động công lao động từ cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân tại địa phương giúp đỡ hộ gia đình anh Ngũ Chính An thực hiện cải tạo 460 mét vuông vườn tạp gắn với nhà ở để trồng các cây có kinh tế như: Ngũ da bì, cây mận tam hoa, cây đào. Từ sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, giờ đây mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, gian truân trong cuộc sống. Song ngôi nhà nhỏ với 4 thành viên của gia đình anh Ngũ Chính An đã phần nào vơi bớt khó khăn và nụ cười hạnh phúc đã nở trên gương mặt người vợ trẻ, kiên cường, chịu thương chịu khó, giờ là trụ cột của gia đình nhỏ.
Xúc động cho chúng tôi biết, Chị Thượng Thị Thoa, thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến nói: Chồng tôi bị bệnh giờ toàn bộ sinh hoạt đều trông dựa vào người khác, kinh tế gia đình khó khăn, để chữa trị bệnh cho chồng tôi phải đi vay mượn tiền của hàng xóm, anh em. Gia đình có 4 nhân khẩu, trước chúng tôi ở trong ngôi nhà gỗ không đảm bảo, mưa to thì dột, nắng to thì hắt. Nay được huyện xây dựng cho ngôi nhà cấp 4 gia đình rất biết ơn Đảng, nhà nước. Có nhà kiên cố rồi, huyện, xã và bà con nhân dân trong thôn còn giúp đỡ gia đình cải tạo vườn tạp để trồng cây, tôi cũng hứa với cấp ủy các cấp sẽ cố gắng vượt qua điều kiện khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Sau khi thực hiện hỗ trợ các đối tượng người có công, CCB nghèo, hộ nghèo tại các xã biên giới, chương trình 1953 của Tỉnh ủy tiếp tục được lan tỏa về các xã nội địa trên địa bàn huyện. Về thăm mảnh đất Cán Tỷ dọc bờ sông Miện vào thời gian này, những ngôi nhà xây dựng kiên cố được hỗ trợ theo quyết định 1953 của BTV Tỉnh ủy đã được đưa vào sử dụng, toàn bộ các ngôi nhà đều chung một mẫu nhà cao ráo, có hiên tây, mái chảy và được trang trí khá đẹp. Những nụ cười, niềm vui, sự phấn khởi đang hiện hữu trên từng gương mặt của các hộ gia đình. Và có lẽ, một cuộc sống mới đã đến với các hộ nghèo đặc biệt khó khăn nơi đây. Ngôi nhà kiên cố của gia đình chị Lù Thị Chợ, thôn Đầu Cầu II, xã Cán Tỷ, tân gia vào cuối năm 2020. Ngôi nhà ba gian có diện tích 70 mét vuông, cao ráo, nền lát gạch men, mái lợp tôn xốp. Ngôi nhà cơ bản đầy đủ các tiện nghi như: Gian khách, phòng ngủ, phòng bếp, phòng vệ sinh khép kín. Vậy là giấc mơ về ngôi nhà kiên cố, đảm bảo từ bao lâu của đôi vợ chồng trẻ đã được thực hiện bằng sự quan tâm của Đảng, nhà nước và sự nỗ lực của hai vợ chồng. Tổng chi phí để xây dựng ngôi nhà này của hộ gia đình chị Chợ là 200 triệu.
Với sự chủ động, sáng tạo trong tập trung huy động nhân lực từ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, nhân dân trên địa bàn huyện, vật lực và nguồn lực từ xã hội hóa các mạnh thường quân cùng tham gia, cùng triển khai, cùng thực hiện với phương châm “toàn hệ thống chính trị các cấp và nhân dân tại huyện vào cuộc”. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho hộ người có công, CCB nghèo, hộ nghèo đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm điển hình tiêu biểu như: Phong trào cấp ủy làm nhà với nhân dân, công chức xã đứng ra cam kết mua vật liệu giúp các hộ gia đình nghèo tại xã Tả Ván; Công tác dân vận khéo, đi từng ngõ, gõ cửa từng hộ, cùng ăn, cùng ở cắm chốt vận động các hộ gia đình thực hiện tại xã Nghĩa Thuận; Phong trào cõng xi măng vượt rừng làm nhà cho nhân dân của lực lượng Công an huyện; Hành trình Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau của Ban Chỉ huy quân sự huyện; Phong trào màu áo biên phòng 3 cùng 4 bám với nhân dân biên giới của lực lượng Biên phòng và còn rất nhiều phong trào khác từ chương trình 1953 xây dựng nhà kiên cố cho người có công, CCB nghèo, hộ nghèo được lan tỏa trong từng cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị tại huyện.
Thực hiện chương trình này, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quản Bạ trong giai đoạn 1 xây dựng hàng chục ngôi nhà, trong đó điển hình như xã Nghĩa Thuận thực hiện 72 ngôi nhà hỗ trợ cho các đối tượng được thụ hưởng. Địa hình khó khăn, các hộ lại nằm rải rác xa nhau, chương trình thực hiện trong bối cảnh cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn của xã bị ảnh hưởng do thiên tai, mưa gió, sạt lở và một số hộ gia đình vẫn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phó mặc cho cấp ủy, chính quyền xã cùng thôn. Nhận định những khó khăn vây quanh trong quá trình thực hiện, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của BCĐ cấp huyện, Thường vụ huyện phụ trách xã, xã Nghĩa Thuận đặt công tác dân vận, tuyên truyền đến từng hộ gia đình, tuyên truyền 1 ngày chưa được thì tuyên truyền nhiều ngày, vận động nay chưa được thì tiếp tục ngày mai, cùng ăn cùng ở với các hộ, mưa dầm thấm lâu. Toàn bộ 72 ngôi nhà được hỗ trợ theo Quyết định 1953 của BTV Tỉnh ủy tại xã Nghĩa Thuận đều được hoàn thành đúng thời gian, kế hoạch đảm bảo trúng các tiêu chí của Tỉnh, của huyện đã đề ra.
Kết thúc giai đoạn 1 thực hiện chương trình xây dựng nhà ở kiên cố theo Quyết định 1953 của BTV Tỉnh ủy, không chỉ mùa xuân Canh Tý năm ngoái, mùa xuân Tân Sửu năm nay mà có lẽ những mùa xuân trong những năm tiếp của các hộ gia đình được thụ hưởng từ chương trình này sẽ mãi là mùa xuân đẹp, mùa xuân đủ đầy, mùa xuân ấm áp yêu thương, nghĩa tình trên từng nóc nhà. Song trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều những mảnh đời, những ngôi nhà tạm bợ cần được hỗ trợ. Để thực hiện tiếp giai đoạn 2 về nội dung này, toàn huyện Quản Bạ qua rà soát có 238 hộ nghèo đủ điều kiện hỗ trợ, đã hoàn thành 20/238 hộ. Thực hiện giai đoạn 2, toàn bộ các ngôi nhà tại huyện Quản Bạ tiếp tục đáp ứng đúng tiêu chí của tỉnh về 3 cứng, và đảm bảo yếu tố riêng của huyện là sạch nền, bền mái. Đồng thời, toàn bộ kinh phí kêu gọi, hỗ trợ xây dựng và công lao động sẽ tiếp tục được huyện Quản Bạ niêm yết, công khai, minh bạch.
Có thể khẳng định rằng, những ngôi nhà kiên cố ấm áp nghĩa tình mang tên 1953 tại huyện Quản Bạ nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung là nguồn động viên to lớn để các hộ gia đình có thêm động lực phấn đấu, tạo sinh kế, thoát nghèo khi đã an cư. Qua đó, góp phần xây dựng kinh tế gia đình, kinh tế địa phương, quê hương ngày thêm giàu đẹp. Chương trình hỗ trợ này còn được coi là sợi dây kết nối vững chắc giữa ý Đảng, lòng dân trên vùng cao nguyên đá Hà Giang.
 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập