Lễ hội truyền thống

LỄ CẤP SẮC DÂN TỘC DAO

26/05/2017 00:00 155 lượt xem

Đặc sắc nhất trong các lễ hội là Lễ Cấp sắc hay còn gọi là “Đào cải” dịch sang tiếng Kinh còn gọi là "Tự cải". Lễ Cấp sắc của người Dao thôn Nặm Đăm có từ khi nào người Dao ở đây cũng không còn nhớ rõ, theo các cụ cao tuổi trong thôn thì Lễ hội này có cách đây khoảng trên 10 đời (khoảng trên hai trăm năm cùng với quá trình di cư của người Dao đến Quản Bạ, Hà Giang).

 Trước đây người Dao sinh sống ở thôn Trúc Sơn, xã Quản Bạ, năm 1992 một bộ phận người Dao đến định cư ở thôn Nặm Đăm. Lễ cấp sắc được người Dao tổ chức vào dịp nông nhàn (cuối năm hoặc đầu năm mới âm lịch) - Đây là lễ đặt tên mới cho người con trai Dao, là buổi lễ quan trọng nhất trong cuộc đời người đàn ông Dao, bất kể người con trai nào cũng phải có buổi lễ này mới được tổ tiên và cộng đồng người Dao công nhận là người trưởng thành và được tham gia vào các công việc quan trọng của dòng họ. Người nào chưa làm lễ cấp sắc thì cộng đồng người Dao vẫn coi họ là người chưa trưởng thành và không được tham gia họp bàn công to việc lớn của dòng họ (Lễ cấp sắc thường chỉ tổ chức ở những gia đình có con trai từ 10 - 16 tuổi).


Lễ cấp sắc ở thôn Nặm Đăm được duy trì đều đặn hàng năm và tổ chức theo đúng những nghi lễ truyền thống của dân tộc Dao. Lễ Cấp sắc được tổ chức trong một gia đình người Dao và thường diễn ra trên một mảnh ruộng (đã gặt lúa) hoặc tổ chức ở sân (đối với những gia đình có khoảng sân rộng), để khi đưa người con trai ra làm lễ thì tất cả mọi người trong thôn cũng như du khách đến tham dự đều có thể cùng gia chủ múa giao lưu, các nam thanh nữ tú người Dao được gặp gỡ hát giao duyên, tâm sự... Để tổ chức được Lễ cấp sắc gia đình người Dao nào cũng phải có bàn thờ tổ tiên. Vì trước khi tổ chức Lễ cấp sắc 01 tháng, gia đình phải thắp hương xin phép tổ tiên, sau đó đến nhà thầy cúng chính (01 Lễ cấp sắc cần có 03 thầy cúng) để nhờ thầy chọn ngày lành tháng tốt cho tổ chức Lễ. Đối với những gia đình làm nghề thầy cúng thì phải lập thêm bàn thờ các vị thần tiên, vì khi trong thôn gia đình nào đến xin phép tổ chức Lễ cấp sắc thì thầy cúng phải thắp hương xin phép thần tiên. Sau khi nhờ thầy cúng chọn ngày lành tháng tốt về, người cha - trụ cột của gia đình mời anh em, họ hàng đến họp bàn việc tổ chức Lễ cấp sắc cho con trai. Để tổ chức Lễ cấp sắc gia đình phải chuẩn bị 03 con lợn (mỗi con từ 70 - 80 kg trở lên), khoảng 12 - 15 con gà, 02 tạ gạo, 100 lít rượu để làm cỗ cúng và mời anh em, xóm làng đến chia vui.


Trước hôm diễn ra Lễ cấp sắc một ngày, người cha dẫn con trai đến nhà 03 thầy cúng để thắp hương tại nhà 03 thầy, xin phép các vị thần cho gia đình và người con trai ngày hôm sau được tổ chức Lễ cấp sắc. Từ nhà 03 thầy cúng về người con trai phải thực hiện ăn chay 03 ngày, không được ăn thịt và phải ngủ ở trên gác, trong thời gian này không ai được động vào người con trai (kể cả bố mẹ). Trước ngày lễ, bàn thờ tổ tiên của Gia đình được trang trí bằng các loại giấy màu (xanh, đỏ, tím vàng) dán xung quanh. Sau ba ngày lễ, khi thầy cúng dỡ bỏ trang trí trên bàn thờ xuống, thầy cúng mang hai bát thịt, 03 chén rượu lên thắp hương báo cáo với tổ tiên là Lễ cấp sắc đã thành công tốt đẹp, thầy cúng gọi chàng trai được cấp sắc đến và gắp một miếng thịt ban cho chàng trai - từ đây người được cấp sắc mới hết ba ngày ăn chay và được phép trở lại ăn uống bình thường. Gia đình mời cơm cảm ơn các thầy cúng và anh em họ hàng, thầy cúng đứng lên thắp hương xin phép tổ tiên để dặn dò người được cấp sắc rằng: Từ nay người được cấp sắc là người trưởng thành và được phép tham gia vào các công to việc lớn của dòng họ. Lễ cấp sắc dân tộc Dao mang đậm giá trị nhân văn: Khuyên răn người đàn ông Dao sau khi làm Lễ cấp sắc, là người trưởng thành phải sống có trách nhiệm với thôn bản, kính yêu ông bà, cha mẹ, sống chan hòa đoàn kết với xóm làng. Lễ Cấp sắc phản ánh sự đa dạng, sự sáng tạo văn hóa của người Dao thông qua các nghi lễ, các điệu múa dân gian độc đáo được kế thừa và phát huy trong lễ hội. Đây là một di sản văn hóa phi vật thể mang tính đại diện tiêu biểu cho cộng đồng người Dao thôn Nặm Đăm, Huyện Quản Bạ nói riêng và đại diện cho dân tộc Dao của tỉnh Hà Giang nói chung.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập