Xây dựng cơ bản

Giải pháp tháo gỡ bế tắc để HTX phát triển Ngựa cao nguyên đi vào hoạt động.

12/10/2016 00:00 164 lượt xem

Được thành lập từ tháng 5/2016, với phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh theo mô hình hợp tác xã kiểu mới (theo Luật HTX năm 2012), chăn nuôi theo mô hình khép kín, tập trung theo hướng hàng hóa và đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn GACP. Với mục tiêu trong 3 năm đầu tiên, doanh thu chủ yếu từ các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh các dịch vụ phân bón, giống, vật tư nông nghiệp, dự kiến doanh thu đạt 350 triệu trong năm 2016; 530 triệu trong năm 2017 và 900 triệu trong năm 2018. Tuy nhiên cho đến thời điểm này đã hơn 5 tháng đi vào hoạt động, HTX phát triển Ngựa cao nguyên vẫn “dậm chân tại chỗ”. Vậy đâu là lí do khiến HTX thành lập nhưng chưa bắt tay hoạt động? Mời quý thính giả đón nghe bài phản ánh của phóng viên đài TTTH huyện Quản Bạ.

Hợp tác xã Phát triển Ngựa Cao nguyên có địa chỉ trụ sở chính tại Thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân, Quản Bạ, Hà Giang. Các sản phẩm dự kiến của hợp tác xã bao gồm: ngựa giống, ngựa thịt, sản phẩm từ trồng trọt đóng gói như: rau, củ, quả, dược liệu, rượu và các sản phẩm khác. Việc chăn nuôi, giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; trồng trọt, thu hái và sơ chế, quản lý các sản phẩm được tổ chức theo tiêu chuẩn GACP. Hợp tác xã còn buôn bán các sản phẩm nông nghiệp khác, khai thác vật liệu xây dựng, … phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: HTX chưa thực sự sẵn sàng để bắt tay vào bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào. Cho đến thời điểm này, HTX chưa xây dựng kế hoạch cụ thể phân công các thành viên trong HĐQT tham gia vào lĩnh vực nào? Chưa tìm được điểm mạnh của mỗi thành viên là gi? Cũng như chưa cụ thể hóa được kế hoạch thực hiện trong các lĩnh vực đã đăng ký kinh doanh. HĐQT HTX còn lúng túng không biết việc gì nên làm trước, làm sau; Và cũng chưa tìm được thị trường cung và cầu, để phục vụ cho sản xuất kinh doanh... Với cái tên HTX phát triển ngựa cao nguyên, nên HTX xác định ngành nghề chính mà HTX sẽ kinh doanh đó là: ngựa giống, ngựa thịt, tiếp theo là cung ứng phân bón vật tư nông nghiệp và khai thác vật liệu xây dựng. Chia sẻ với chúng tôi ông Gìang Mí Páo, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, HTX chưa thu được tiền đóng góp của các thành viên, chưa có nguồn vốn để hoạt động. HTX đã mua được thêm 5 con ngựa từ nguồn vốn vay theo nghị quyết 35 của HĐND tỉnh nâng tổng số ngựa của HTX lên tổng số 17 con. Tuy nhiên, ngựa bán giống thì phải mất ít nhất hai năm mới xuất chuồng được, còn ngựa thịt thì chưa đủ số lượng để trở thành hàng hóa. Nên HTX chưa có vốn quay vòng.

 

Là một trong những xã viên của HTX phát triển ngựa cao nguyên, Gia đình ông Vàng Mí Pao, thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, hiện đang nuôi 3 con ngựa, ông Pao cho biết trước khi thành lập HTX, gia đình ông đang nuôi 2 con ngựa. Sau khi thành lập HTX gia đình ông đã được vay vốn hỗ trợ lãi xuất để mua thêm 1 con ngựa về nuôi. Tuy nhiên, để phát triển được đàn ngựa trong HTX trở thành hàng hóa thì phải có ít nhất 50 con ngựa, vừa tổ chức chăn nuôi sinh sản, bán giống, vừa bán ngựa thịt phục vụ cung cấp thực phẩm. Hiện, đàn ngựa chung của HTX mới chỉ có 1 con. Còn cơ bản đều là ngựa của cá nhân các hộ gia đình, tham gia cùng HTX để kinh doanh. Chính vì vậy, gia đình ông rất muốn được tăng nguồn vay vốn để mua thêm ngựa về nuôi, nhưng theo quy định thì gia đình ông chỉ được vay 20 triệu và mua 1 con ngựa. Sự khống chế về nguồn vốn vay, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển HTX cũng như tăng tổng đàn ngựa.

 

Nhìn vào thực tế chúng ta nhận thấy điểm mạnh của HTX là có đất đai rộng, giống và các điều kiện cần thiết để sản xuất hiệu quả; Có nguồn lao động tại chỗ dồi dào, giá rẻ, có kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt; Có sản lượng phụ phẩm nông nghiệp lại lớn; được hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp như nghị quyết 35, nghị quyết 209 của HĐND tỉnh...tuy nhiên những hạn chế về trình độ văn hóa của người lao động còn hạn chế, lãnh đạo thiếu kinh nghiệm quản lý, điều hành hoạt động; hoạt động lúng túng, và một nguyên nhân quan trọng đó là HTX không có vốn chủ sở hữu và chưa được giải ngân nguồn vốn của ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, lực lượng xã viên quá ít, chỉ có 9 người, và chưa có ai góp vốn với HTX, do đó không có mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ về lợi ích và trách nhiệm với HTX. Mục tiêu cao nhất trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX là phát triển kinh tế hộ gia đình, đem lại thu nhập cao hơn cho các thành viên của HTX, tiếp đến là lợi ích của tập thể và cộng đồng. Theo Luật HTX năm 2012, HTX sẽ hoạt động giống như một doanh nghiệp thực thụ, qua đó nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu HTX.

 

Với những giải pháp thiết thực, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền huyện Quản Bạ để thực hiện Luật HTX năm 2012. Thời gian tới, UBND huyện giao trách nhiệm cho các ngành chuyên môn giúp đỡ, tạo điều kiện về hành lang pháp lý, hướng dẫn tập huấn, nâng cao kỹ năng quản lý của các thành viên trong HĐQT, tập huấn, nâng cao kỹ thuật và kỹ năng tìm kiếm thị trường cho xã viên. Dẫu biết, phát triển kinh tế tập thể và xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới là vấn đề khó, nhất là loại hình HTX nông nghiệp đã trải qua những giai đoạn thăng trầm trong lịch sử. Vì vậy, phải sớm có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn thì việc tổ chức, sắp xếp lại hoạt động của HTX phát triển ngựa cao nguyên, mới đảm bảo mục tiêu đặt ra.
 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập