Kinh tế

Đầu tư có thu hồi - mô hình phát triển chăn nuôi bền vững ở huyện Quản Bạ

09/06/2014 00:00 125 lượt xem

Đối với người dân ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ), việc đầu tư có thu hồi khá lạ lẫm. Bởi lẽ, trước đây họ thường được Nhà nước hỗ trợ giá giống, phân bón… không phải hoàn lại tiền.
Tuy nhiên, một số hộ sản xuất chăn nuôi lợn có quyết tâm mở rộng quy mô đã mạnh dạn đăng ký vay vốn hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Viết Bức, ở thôn Lùng Thàng, xã Quyết Tiến, cho biết: “Có thêm nguồn vốn hỗ trợ 45 triệu đồng, gia đình tôi mang về tu sửa mở rộng được hai ô chuồng, xây bể biogas và đầu tư con giống. Trước đây chỉ nuôi khoảng 20 con lợn một lứa để tận dụng các loại sản phẩm phụ như bỗng rượu, rau cỏ… một năm xuất chuồng 2 lứa lợn cho thu nhập trung bình là 20 triệu/năm. Hiện có thêm ô chuồng nên nhà tôi nuôi được 27 con lợn và có thể tận dụng khí biogas để nấu cám, nấu thêm rượu lấy bỗng cho lợn ăn mà không phải mất công vất vả đun bếp như trước đây nữa”. Theo ông Bức thì nếu được vay vốn không lãi trong 2 năm, trả làm 3 lần thì gia đình có thể xoay sở được. Đây là một chương trình hay, người dân chỉ cần chịu khó bỏ sức lao động là được hưởng lợi, không phải tự xoay sở vốn đầu tư.
 
Với mục tiêu trở thành động lực thúc đẩy người dân chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa với quy mô sản xuất lớn để nâng cao giá trị kinh tế và tránh sự trông chờ ỷ lại như trước đây. Đồng thời, bảo toàn được nguồn vốn tái đầu tư cho các hộ khác, huyện Quản Bạ đã có cách làm mới được triển khai từ đầu năm nay là thí điểm đầu tư có thu hồi để tái đầu tư mô hình nuôi lợn gắn với xây lắp bể biogas tại 3 xã Quyết Tiến, Quản Bạ, Đông Hà. Đây là một mô hình mới trên địa bàn huyện Quản Bạ, bước đầu cho thấy sự khả quản. Được biết, tổng kinh phí thực hiện mô hình này là hơn 1,4 tỷ đồng với 30 hộ được vay vốn. Những hộ này phải đáp ứng các điệu kiện như: có đàn lợn quy mô từ 20 con trở lên, có 01 lợn nái giống, phải xây dựng 01 bể biogas. Mỗi hộ được vay 45 triệu đồng/hộ, phải thực hiện tái đầu tư và trả vốn theo cam kết trong thời hạn 2 năm; thời gian thu hồi vốn phân theo 4 chu kỳ nuôi lợn là 12 tháng, 18 tháng và 24 tháng, mỗi lần trả 15 triệu đồng. Đề cập đến việc triển khai mô hình tại xã Quyết Tiến, nơi có nhiều hộ tham gia vay vốn, Chủ tịch UBND xã, Hoàng Văn Dương, cho biết: “xã Quyết Tiến có 15 hộ được tham gia vay vốn để mở rộng quy mô nuôi lợn. Từ khi có phương án thực hiện thí điểm đầu tư có thu hồi để tái đầu tư mô hình nuôi lợn gắn với xây lắp bể biogas xã đã họp ban chỉ đạo triển khai nội dung tới các thôn, bản. Việc chọn đối tượng cho vay được thực hiện công khai, minh bạch thông qua kết quả họp thôn, bản. Đáp ứng được yêu cầu là các hộ vay vốn phải có vốn đối ứng để đầu tư phát triển quy mô đàn lợn. Xã đã thường xuyên cử cán bộ đến kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân. Hiện nay, hầu hết các hộ đã xây dựng được bể biogas, sửa chữa, mở rộng thêm ô chuồng trại và mua thêm lợn giống về nuôi”.
 
Việc cho vay vốn để phát triển đàn lợn đã thực sự trở thành nguồn hỗ trợ có ích đối với người dân. Chị Ngũ Thị Căn, ở thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến, chia sẻ: “Từ khi nhận được tiền vốn, nhà tôi có kinh phí để làm bể biogas giúp xử lý chất thải từ nuôi lợn nên nhà cửa sạch sẽ hơn. Hơn nữa, còn có nguồn khí gas xử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, không phải vất vả đun bếp củi như trước nữa. Tiền vốn đã đến đúng lúc gia đình có nhu cầu mở rộng quy mô nuôi lợn để tận dụng hết rau cỏ thừa trong nông nghiệp. Giúp chúng tôi nâng cao thu nhập, có tiền nuôi các con ăn học. Mong rằng Nhà nước có thêm các chương trình hỗ trợ như thế nữa để người dân phát triển sản xuất”.
 
Mô hình hỗ trợ nuôi lợn gắn với xây lắp bể biogas không chỉ giúp người dân mở rộng sản xuất chăn nuôi mà còn tạo điều kiện cho họ tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật như xây dựng mô hình chăn nuôi kép kín. Với điều kiện bắt buộc các hộ phải xây lắp bể biogas đã xử lý được vấn đề chất thải chăn nuôi, có nguồn chất đốt sạch. Người dân cũng ý thức hơn trong việc quản lý, sử dụng và xoay vòng vốn hiệu quả. Từ đó, dần hình thành nên tư duy sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Với những hiệu quả thấy rõ trước mắt, hy vọng mô hình sẽ được nhân rộng thành công.
 

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập