Kinh tế

HƯỚNG DẪN Thực hiện cơ chế hỗ trợ sản xuất Nông nghiệp trên địa bàn huyện Quản Bạ năm 2018

09/02/2018 00:00 128 lượt xem

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Thực hiện Nghị quyết số: 14/NQ-HĐND ngày 20/12/2017 của HĐND huyện Quản Bạ về việc ban hành mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quản Bạ năm 2018.
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết, UBND huyện hướng dẫn việc triển khai các nội dung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2018 cụ thể như sau:


A. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Đối tượng áp dụng: Hộ gia đình, cá nhân, Tổ hợp tác, HTX (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) trên địa bàn huyện triển khai thực hiện sản xuất trong các lĩnh vực được quy định tại Điều 1, Nghị quyết 14/NQ-HĐND, ngày 20/12/2017 của HĐND huyện.
2. Thời gian áp dụng: Từ 01/01/2018 đến 31/12/2018.


B. NỘI DUNG:
I. HỖ TRỢ LĨNH VỰC TRỒNG TRỌT:
1. Hỗ trợ phát triển cây dược liệu:
- Đối tượng thụ hưởng: Là các tổ chức, cá nhân.
- Điều kiện thụ hưởng: Chỉ hỗ trợ cho diện tích dược liệu trồng mới trong năm. Về loài cây, phải nằm trong danh mục cây dược liệu ưu tiên tại Quyết định số 1435/QĐ-UBND, Quyết định 2185/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Giang và bổ sung cây Nghệ đen. Về diện tích trồng phải đảm bảo đủ theo quy định của Nghị quyết.
- Cách thức triển khai: Sau khi các tổ chức, cá nhân ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các Doanh nghiệp hoặc cam kết tự tìm đầu ra cho sản phẩm, UBND các xã, thị trấn tiến hành cho đăng ký diện tích, chủng loại dược liệu trồng. Trên cơ sở đăng ký, kinh phí sẽ được cấp cho UBND các xã, thị trấn để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các tổ chức, cá nhân sau khi nghiệm thu diện tích trồng mới từ tháng 01/2018 đến 30/11/2018.
2. Hỗ trợ trồng cây Bạc hà phục vụ phát triển nuôi ong:
- Đối tượng thụ hưởng: Các hộ dân trên địa bàn huyện.
- Điều kiện thụ hưởng: Các hộ dân phải có diện tích cây Bạc Hà thực tế, nguồn gốc từ gieo trồng hoặc khoanh vùng tự nhiên để bảo vệ.
- Cách thức triển khai: UBND các xã, thị trấn cho các hộ dân đăng ký nhu cầu trồng hoặc khoanh vùng bảo vệ cây Bạc hà để phục vụ phát triển nuôi ong, trong đó xác định vùng trồng phải gắn với khu vực dự kiến phát triển đàn ong nội. Trên cơ sở đăng ký, kinh phí sẽ được cấp cho UBND các xã, thị trấn để phát trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ sau khi được nghiệm thu diện tích thực tế.
3. Hỗ trợ chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng cây Tam giác mạch phục vụ phát triển du lịch:
- Đối tượng thụ hưởng: Tổ chức hoặc cá nhân.
- Điều kiện thụ hưởng: Phải trồng tại các điểm du lịch gồm Thạch Sơn Thần, Trạm dừng chân Cổng trời, Làng văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm, Động Lùng Khúy và một số địa điểm cụ thể do yêu cầu phục vụ Lễ hội khi có chỉ đạo của UBND huyện. Về diện tích tối thiểu mỗi điểm phải từ 0,1 ha trở lên, liền vùng, liền khoảnh. Đối với điểm Thạch Sơn Thần và Trạm dừng chân Cổng trời phải trồng tối đa diện tích và tạo hình theo chỉ đạo của UBND huyện.
- Cách thức triển khai: Giao UBND các xã, thị trấn khảo sát cụ thể về diện tích để đăng ký, ngoài các điểm nhấn trên có thể đề xuất các vị trí khác để UBND huyện xem xét quyết định. Trên cơ sở đăng ký địa điểm, diện tích được UBND huyện nhất trí, kinh phí sẽ được cấp cho UBND các xã, thị trấn để phát trực tiếp bằng tiền mặt cho các tổ chức, cá nhân sau khi nghiệm thu thực tế.
4. Hỗ trợ trồng cây Hồng không hạt Quản Bạ:
- Đối tượng thụ hưởng: Các tổ chức hoặc cá nhân.
- Điều kiện thụ hưởng: Hỗ trợ cho diện tích trồng mới trong thời điểm từ 01/01/2018 đến 15/12/2018. Cây giống phải được dâm bằng rễ. Địa điểm trồng tại vùng có Chỉ dẫn địa lý gồm: Xã Quản Bạ, Bát Đại Sơn, Thanh Vân, Nghĩa Thuận và thị trấn Tam Sơn.
- Cách thức triển khai: UBND các xã Quản Bạ, Bát Đại Sơn, Thanh Vân, Nghĩa Thuận và thị trấn Tam Sơn cho tổ chức, cá nhân đăng ký nhu cầu trồng mới năm 2018, trên cơ sở đăng ký kinh phí sẽ được cấp cho UBND các xã, thị trấn để phát trực tiếp bằng tiền mặt cho các tổ chức, cá nhân sau khi nghiệm thu thực tế.
5. Hỗ trợ phân bón hóa học:
- Đối tượng thụ hưởng: Là các hộ gia đình trên địa bàn huyện.
- Điều kiện thụ hưởng: Phải có hoạt động sản xuất thực tế, có nhu cầu sử dụng phân bón hóa học để thâm canh tăng năng suất cho các loại cây trồng của gia đình.
- Cách thức triển khai: UBND các xã, thị trấn cho các hộ đăng ký nhu cầu sử dụng phân bón hóa học trong năm 2018 theo chủng loại phân được hỗ trợ. Tiến hành thẩm định chính xác nhu cầu của từng hộ gia đình để tổng hợp báo cáo UBND huyện. Trên cơ sở báo cáo đề xuất của các xã, thị trấn, kinh phí sẽ được cấp cho UBND các xã, thị trấn để phát trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ dân.


II. HỖ TRỢ LĨNH VỰC CHĂN NUÔI:
1. Hỗ trợ phát triển đàn đại gia súc:
1.1. Hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho đàn bò (Ngoài các chính sách của Trung ương, của tỉnh):
- Nội dung hỗ trợ dẫn tinh viên:
+ Đối tượng thụ hưởng: Là các dẫn tinh viên trên địa bàn huyện.
+ Điều kiện thụ hưởng: Ca thụ tinh phải thành công.
- Nội dung hỗ trợ dẫn tinh viên có số lần phối giống thành công trong tháng đạt từ 20 con trở lên:
+ Đối tượng thụ hưởng: Là các dẫn tinh viên trên địa bàn huyện.
+ Điều kiện thụ hưởng: Phải thụ tinh thành công tối thiểu 20 ca trong 1 tháng, thời điểm để tính là lấy từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng của tháng.
+ Cách thức triển khai cho hai nội dung trên: Dẫn tinh viên phải lập danh sách những con Bò đã được phối giống trong tháng vào ngày cuối cùng của tháng (Bao gồm cả những ca thành công và không thành công), có xác nhận của trưởng thôn, khuyến nông xã, UBND xã, thị trấn và gửi về Trạm khuyến nông huyện. Giao cho Trạm khuyến nông huyện phối hợp với UBND xã, thị trấn thẩm định, xác minh hồ sơ của các dẫn tinh viên, đồng thời tổng hợp trình UBND huyện xem xét cấp kinh phí để thực hiện hỗ trợ. Trong tháng, dẫn tinh viên nào đạt số ca thành công từ 20 con trở lên thì ngoài kinh phí cho một lần thành công sẽ được hỗ trợ thêm 2.000.000 đồng trong tháng đó.
- Hỗ trợ 100% lượng Nitơ phục vụ việc thụ tinh nhân tạo Bò: Căn cứ vào nhu cầu thực tế số Nitơ cần phải bổ sung, hàng quý Trạm Khuyến nông huyện đề xuất với UBND huyện bổ sung kinh phí cho Trạm khuyến nông thực hiện. Giao cho Trạm Khuyến nông chịu trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình mua Nitơ bổ sung.
- Hỗ trợ 100% kinh phí mua thuốc kích dục tố phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo:
+ Đối tượng thụ hưởng: Các hộ dân có Bò cái sinh sản.
+ Điều kiện thụ hưởng: Hộ dân nằm trong địa bàn thôn được chọn làm thí điểm, có nhu cầu sử dụng thuốc kích dục tố để thực hiện thụ tinh nhân tạo cho Bò.
+ Cách thức triển khai: Giao cho Trạm Khuyến nông huyện lựa chọn mỗi xã 1 thôn để tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện. Yêu cầu trong kế hoạch phải nêu rõ địa điểm, số lượng tổng đàn Bò cái trong tuổi sinh sản, dự báo nhu cầu thuốc, nhu cầu kinh phí, những thuận lợi, khó khăn khi triển khai, dự kiến kết quả. Phải khảo sát kỹ về sự đồng thuận của nhân dân, nơi nào có sự đồng thuận cao thì triển khai trước để thí điểm. Thời gian xây dựng kế hoạch xong trước ngày 10/01/2018. Kinh phí được cấp cho Trạm Khuyến nông để triển khai thực hiện.
1.2. Hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 thôn làm điểm về phát triển chăn nuôi Bò hàng hóa:
- Đối tượng thụ hưởng: Các hộ gia đình tại Lùng Tám, Thanh Vân và bổ sung thêm một số hộ dân thuộc xã Cán Tỷ có đất liền kề thôn Hợp Tiến của xã Lùng Tám trong trường hợp xã Lùng Tám không triển khai đủ diện tích tối đa.
- Điều kiện thụ hưởng: Các hộ phải cùng có diện tích đất bằng, liền kề nhau, liền vùng liền thửa với diện tích tổng thể tối thiểu là 5 ha, mỗi hộ phải có chăn nuôi đại gia súc từ 3 con trở lên.
- Cách thức triển khai: Giao UBND xã Thanh Vân, Lùng Tám triển khai các nội dung hỗ trợ cho những hộ nằm trong khu vực được lựa chọn để chuyển đổi, đăng ký nhu cầu, đồng thời khuyến khích các hộ tham gia thành lập HTX hoặc Tổ hợp tác phát triển Bò vàng vùng cao. Khu vực giáp ranh xã Lùng Tám, Cán Tỷ lấy thôn Hợp Tiến làm trung tâm, tuy nhiên nếu diện tích chưa đủ 10 ha thì UBND xã Cán Tỷ vận động người dân có đất ở khu vực liền kề cùng tham gia, nhưng diện tích tối đa của cả hai xã được hỗ trợ không quá 10ha. Trên cơ sở đăng ký, kinh phí sẽ được cấp cho UBND các xã để phát trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ dân sau khi nghiệm thu từng hạng mục hỗ trợ.
2. Hỗ trợ phát triển Chim bồ câu bằng phương thức đầu tư có thu hồi:
- Đối tượng hỗ trợ: Hộ gia đình.
- Điều kiện thụ hưởng: Hộ gia đình có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển nuôi Chim bồ câu hàng hóa, có nhân lực, có điều kiện kinh tế, có kinh nghiệm trong chăn nuôi và chuồng trại phải đảm bảo để chăn nuôi. Đối với các hộ đã được thụ hưởng các cơ chế hỗ trợ phát triển nuôi Chim bồ câu từ những năm trước thì không được thụ hưởng theo cơ chế hỗ trợ này.
- Địa điểm thực hiện: Hỗ trợ 4 xã, mỗi xã xây dựng 1 mô hình gồm: Xã Nghĩa Thuận, Tùng Vài, Lùng Tám, Cán Tỷ.
- Cách thức triển khai: Giao UBND các xã triển khai cho các hộ có nhu cầu làm đơn xin vay vốn, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, đồng thời tổng hợp đăng ký địa điểm với UBND huyện, trên cơ sở đăng ký giao cho Phòng Nông nghiệp&PTNT báo cáo đề xuất cấp kinh phí cho UBND các xã thực hiện. Sau 24 tháng kể từ ngày giải ngân, UBND các xã có trách nhiệm thu hồi 100% vốn để nộp trả lại Phòng NN&PTNT theo quy định.


III. HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN MỖI LÀNG MỘT SẢN PHẨM CHÍNH:
1. Đối tượng hỗ trợ: Các tổ chức hoặc hộ gia đình.
2. Điều kiện thụ hưởng: Tổ chức hoặc cá nhân có hoạt động sản xuất trên địa bàn huyện, sản phẩm phải có tính đặc thù hoặc thế mạnh của huyện.
3. Cách thức triển khai: Giao cho phòng NN&PTNT lựa chọn và đề xuất các sản phẩm đặc thù, có thế mạnh của địa phương để cấp kinh phí hỗ trợ.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập