Kinh tế

Khởi sắc trong trồng rau liên kết tại xã Quyết Tiến huyện Quản Bạ

07/07/2023 15:54 106 lượt xem

Với sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở thì những tín hiệu tốt từ việc thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, gắn với mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm cây Cà chua và cây Dưa leo tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ đã thực sự khởi sắc.

Khởi sắc trong trồng rau liên kết tại xã Quyết Tiến huyện Quản Bạ
Nhân dân phấn khởi khi vụ cà chua được mùa

Xã Quyết Tiến là địa phương có diện tích đất trồng cây rau đậu lớn nhất của huyện Quản Bạ tổng diện tích là trên 3.000ha. Với điều kiện khí hậu mát mẻ, địa hình bằng phẳng, thổ nhưỡng đất đai màu mỡ thích hợp trồng các loại cây rau như: Cây Cà chua, cây Dưa leo, Đậu cô ve. Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cây Cà chua, cây Dưa leo theo liên kết với Công ty Dưa vùng miền tỉnh Bắc Ninh và một số tỉnh khác trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, từ đó đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Những năm trước đây bà con nhân dân canh tác theo hướng tự phát, đến nay thực hiện mô hình liên kết người dân trên địa bàn xã đã thành lập 07 nhóm liên kết trồng cây Dưa leo và cây Cà chua. Từ việc liên kết bao tiêu sản phẩm của địa phương đem lại sự yên tâm cho bà con nông dân có giá cả ổn định tránh tình trạng được mùa mất giá.

Gia đình chị Mai Thị Hiên, thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến là một trong số những hộ tham gia nhóm liên kết trồng cây Cà chua. Được sự hỗ trợ của nhóm liên kết về kỹ thuật trồng và chăm sóc, bước đầu chị Hiên đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng cây Ngô sang trồng cây Cà chua là hơn 1.000m2 đất. Hiện đang vào vụ thu hoạch, Cà chua thu hoạch đến đâu sẽ được nhóm liên kết bao tiêu sản phẩm thu mua hết đến đó, với giá ổn định 7 nghìn đồng/kg. Theo chị Hiên sau thời gian 2 tháng trồng và chăm sóc, cây Cà chua đã cho thu hoạch sản lượng, gia đình chị thu về trên 40 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi là trên 30 triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với cây trồng khác.

Còn gia đình ông Nguyễn Đình Sồi, thôn Vĩnh Tiến, xã Quyết Tiến là hộ tham gia nhóm liên kết trồng dưa leo từ năm 2019. Được sự hỗ trợ của Công ty về giống và kỹ thuật, ông Sồi đã mạnh dạn trồng 2.000m2 đất dưa leo. Sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc, cây dưa đã cho thu hoạch, với sản lượng cao, trừ chi phí gia đình ông thu lãi là 70 triệu đồng.

Các đơn vị liên kết thu mua dưa chuột tại xã Quyết Tiến

Mô hình liên kết trồng cây Cà chua và cây Dưa leo gắn với bao tiêu sản phẩm đang được mở rộng tại xã Quyết Tiến có diện tích đất chuyển đổi là 40ha. Trong đó, có 30ha là trồng cây Cà chua và cây Dưa leo còn lại là cây rau đậu khác. Để khuyến khích nhân dân tham gia mô hình liên kết này, bước đầu huyện Quản Bạ đã hỗ trợ phân, giống cây trồng, các chế phẩm sinh học trong phòng ngừa sâu bệnh và kỹ thuật chăm sóc cây cho các hộ gia đình. Hiện nay nhân dân trong xã tiếp tục mở rộng các mô hình liên kết trồng rau gắn bao tiêu sản phẩm cho nhân dân với 04 cây trồng chủ lực: Cà chua, Dưa leo, Bắp cải, Cải thảo, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững tại địa phương.

 Từ đầu năm 2022 đến nay, việc liên kết trong trồng và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp tại xã Quyết Tiến đã cho thấy nhiều khởi sắc và tín hiệu tốt. Những khởi sắc này đã phản ánh rõ nét sự quyết tâm, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển các loại cây trồng nông nghiệp mới cùng sự năng động trong phối hợp liên kết để đảm bảo việc bao tiêu cho sản phẩm; Đặc biệt hơn, tư duy, nhận thức của nhân dân trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp đã được thay đổi.

Thanh Nga - Hoàng Tâm

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập