Kinh tế

Mô hình chăn nuôi dê mang lại thu nhập cho người dân ở xã Thái An

09/08/2017 00:00 90 lượt xem

Xác định dê là một trong những vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, trong thời gian qua, cấp ủy xã Thái An huyện Quản Bạ đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tập trung vay vốn, phát triển đàn dê từ nhỏ lẻ sang hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập.

 Gia đình ông Ly Thái Mình ở thôn Lùng Hẩu bắt đầu nuôi dê từ năm 2016. Nhận thấy dê là động vật ăn tạp, dễ nuôi, lại không tốn công chăm sóc nên trong năm 2017, khi Nghị quyết 32 HĐND huyện được ban hành, Ông Mình đã vay vốn được 20 triệu đồng để nhân rộng đàn dê của gia đình. Mỗi năm dê thường đẻ 2 -3 lứa, mỗi lần sinh được một hoặc hai con, và chỉ trong khoảng từ 7 tháng đến một năm dê có thể được xuất chuồng, trọng lượng trung bình khoảng 25kg một con, con to có thể lên đến 30kg. Nhờ vậy, hiện nay gia đình ông Mình đã có trên 30 con dê, mỗi năm chỉ tính riêng việc bán dê trừ chi phí cũng đã cho thu lãi được 60 triệu đồng. Con số này khá cao so với các vật nuôi khác và không gặp nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi dê sinh sản có vốn đầu tư ít, nguồn thức ăn cũng sẵn như cỏ, lá rừng, phụ phẩm nông nghiệp…


Hiện nay xã đang tích cực đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền, xây dựng, giới thiệu cho người dân nhiều mô hình mới để áp dụng, nhân rộng. Trong đó, mô hình nuôi dê được một số hộ triển khai thực hiện thì đến nay đã có 20 hộ áp dụng. Mỗi hộ nuôi từ 10 - 30 con. Nhiều hộ trước đây thuộc diện nghèo của xã nay đã trở nên khá giả hơn nhờ áp dụng mô hình này. Việc xem nghề nuôi dê là nguồn thu nhập chính đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho mỗi hộ gia đình ở xã Thái An, giúp người dân ổn định cuộc sống, có thêm thu nhập.


Theo đánh giá của huyện Quản Bạ thì mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại xã Thái An đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận từ quá trình triển khai, nội dung và mục đích của mô hình. Đặc biệt là đã khai thác được lợi thế, tiềm năng của xã đồng thời mở ra hướng sản xuất chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi của địa phương, vừa nâng cao giá trị sản xuất vừa góp phần thay đổi dần tập quán canh tác của người dân; để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con các xã miền núi.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập