Kinh tế

Quản Bạ: Phát triển con bò vàng vùng cao trong nhiệm kỳ mới.

28/09/2020 00:25 53 lượt xem

Thực tế cho thấy, tại huyện Quản Bạ bằng sự đổi mới, nỗ lực và có hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi thì con bò vàng vùng cao là 1 trong những con chủ lực tại huyện đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi. Trước tiềm năng, lợi về và lãi suất khá cao, đồng thời khẳng định được những sản phẩm mang thương hiệu vùng cao nguyên đá. Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quản Bạ lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định con bò vàng sẽ là con song hành với con ong mật là 2 con chủ lực trong phát triển chăn nuôi của huyện.

Theo đó, tại chỉ tiêu thứ 6 của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quản Bạ lần thứ XIX đã cho thấy sự quyết tâm về phát triển chăn nuôi của huyện, chính là nâng tỷ trọng giá trị chăn nuôi/ trên giá trị sản xuất nông nghiệp của nhiệm kỳ 2020- 2025 từ 29% lên 36%. Để thực hiện được nội dung này, ngay sau Nghị quyết được ban hành Đảng bộ huyện Quản Bạ đã tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn và 13 xã, thị trấn bắt tay vào thực hiện, trong đó lấy công tác tuyên truyền, vận động là đường lối thực hiện và phải thực hiện bền vững. Đến thăm hộ gia đình anh Tẩn Phủ Sài, thôn Thèn Ván 2, xã Cao Mã Pờ. Anh là một dẫn tinh viên có kinh nghiệm trong thụ tinh nhân tạo cho đàn bò tại xã, với kinh nghiệm chăn nuôi con bò vàng vùng cao cùng những kiến thức thú y của mình, hiện nay trong chuồng gia đình anh có 10 con bò sinh sản, tầm vóc cao, thể trạng tốt. Anh Sài cho biết, tại địa phương do điều kiện khí hậu khá khắc nghiệt nên việc lựa chọn con vật nuôi để phát triển là điều phải chú trọng. Con bò vàng vùng cao là con có sức đề kháng tốt, phù hợp với địa hình khí hậu, về công chăm sóc cũng không vất mà giá thành luôn ổn định. Vì vậy, được cấp ủy chính quyền địa phương tạo điều kiện về vốn, gia đình tiến hành mua bò giống và chuyển đổi diện tích nương cằn sang trồng cỏ chăn nuôi.
Để người dân nhận thức được về hiệu quả từ chăn nuôi bò vàng vùng cao, song hành với công tác tuyên truyền, vận động, huyện Quản Bạ đặt tính tiên phong trong phát triển kinh tế của cán bộ, công chức, đảng viên trên địa bàn huyện. Tại xã Cán Tỷ, mô hình chăn nuôi bò vàng của anh Hạng Mí Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ là một điển hình, để bà con thay đổi nhận thức và khuyến khích nhân dân tại địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi. Gia đình anh Ngọc đã dùng toàn bộ số vốn tiết kiệm để xây chuồng trại kiên cố, mua bò giống và chuyển hơn 1 ha đất ruộng khô cằn để trồng cỏ. Thời điểm cao nhất trong chuồng bò nhà anh có trên 10 con bò thịt. Theo ngành chuyên môn của huyện Quản Bạ đánh giá, con bò vàng vùng cao khá phù hợp với các điều kiện tại huyện. Nếu được chăm sóc tốt và cung cấp đầy đủ lượng thức ăn thô và tinh, thị một con bò cái trưởng thành sẽ sinh sản trung bình là 3 năm được 2 lứa bê con. Đặc biệt, những năm gần đây công tác thụ tinh nhân tạo để cải thiện về nguồn giống, tầm vóc của bò được huyện Quản Bạ thực hiện có hiệu quả, được tỉnh ghi nhận, đánh giá cao.
Đồng chí Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quản Bạ. Trên nền tảng những kết quả đã đạt được trong phát triển đàn bò vàng vùng cao và những bài học kinh nghiệp được rút ra sâu sắc từ nhiệm kỳ trước. Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện là ngành chuyên môn sẽ tiếp tục thực hiện nội dung này với các giải pháp đã đề ra đó là: Phát triển con Bò vàng theo hướng hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và xây dựng các cơ chế đặc thù để hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình phát triển chăn nuôi, chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đối với con bò tiếp tục thực hiện tốt công tác thụ tinh nhân tạo nhằm cải thiện tầm vóc và chất lượng đàn bò, đẩy mạnh phát triển diện tích cỏ phục vụ chăn nuôi; Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đói, rét cho đàn bò; Phát triển mạnh các hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo thành sản phẩm hàng hóa; Xây dựng cơ sở chế biến, tiêu thụ từ sản phẩm thịt bò. Phấn đấu đến năm 2025 tổng đàn bò đạt trên 25.000 con.
Tin tưởng, với những giải pháp cụ thể như vậy, nhiệm kỳ 2020- 2025 con bò vàng vùng cao tại huyện Quản Bạ sẽ tiếp tục là con chủ lực trong phát triển chăn nuôi của nhân dân, đồng thời khẳng định thêm chăn nuôi chính là một trong những yếu tố quan trọng trong chiếc cần câu sinh kế cho bà con nhân dân tại cơ sở. Qua đó, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.
 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập