Kinh tế

Tinh hoa sản phẩm dệt vải lanh Quản Bạ.

21/12/2020 08:40 100 lượt xem

Nhắc đến danh hiệu “Nữ hoàng thổ cẩm” mọi người đều nghĩ ngay đến nghệ nhân Vàng Thị Mai xã Lùng Tám huyện Quản bạ tỉnh Hà Giang- một trong những người tiên phong đưa sản phẩm dệt lanh thổ cẩm ra thị trường quốc tế. Với vai trò to lớn trong việc giữ gìn và phát triển nghề thủ công truyền thống của người Mông ở Hà Giang bà đã vinh dự Forbes Việt Nam chọn bà vào danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017.

 Trồng lanh dệt vải là nghề truyền thống được bắt nguồn từ trong nhu cầu cuộc sống gắn với phong tục tập quán và sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Suốt theo chiều dài lịch sử, cây lanh và nghề dệt lanh luôn là phần không thể thiếu trong văn hóa đặc sắc của người Mông. Những cơn mưa tháng ba, tháng tư đầu mùa xuất hiện cũng là người Mông bắt tay vào vụ trồng lanh. Khi cây lanh trưởng thành họ sẽ thu hoạch, đem phơi khô rồi tách vỏ xe sợi dệt vải may quần áo cho cả gia đình.
 Phong tục tập quán sẽ được các bà mẹ dạy cho con gái ngay khi bước vào tuổi trưởng thành. Sinh năm 1962, tại xã Tả Ván huyện Quản bạ. Cũng như bao cô gái dân tộc Mông khác, nghệ nhân Vàng Thị Mai được bà và mẹ dạy cho cách se lanh dệt vải từ khi còn là thiếu nữ. Lúc 14-15 tuổi, bà đã có thể tự dệt cho mình những tấm vải thật đẹp để may quần áo cho mình. Đây chính là quan niệm của người con trai Mông để đánh giá đức hạnh của người con gái trưởng thành. Để thấy được những khuôn mặt người phụ nữ vùng cao rạng rỡ hãy tìm vào khung cửu. Bởi vì khi đó họ toát lên vẻ đẹp của sự cần cù, khéo léo một cách tự nhiên và trở thành biểu tượng hạnh phúc của cuộc sống lứa đôi.
 Người Mông Lùng Tám luôn tự hào là “cái nôi” của nghề trồng lanh dệt vải. Ở đó, trong những ngôi nhà cổ vẫn có những nghệ nhân già đang hàng ngày cần mẫn với công việc của mình. Bà Giàng Tảo Mải, 103 tuổi là nghệ nhân gạo cội nhất của làng. Cả cuộc đời truyền nghề cho bao thế hệ dân bản bà hiểu rõ hơn ai hết ý nghĩa thiêng liêng của vải lanh trong đời sống tâm linh của người Mông. Từ những ý nghĩa tâm linh đó, bà Giàng Tảo Mải đã truyền lại nghề cho con cháu với mong muốn thế hệ sau thấu hiểu vải lanh hơn, làm nên những tấm thổ cẩm truyền thống kết bện bằng công sức, tâm đức và đôi bàn tay tài hoa của người phụ nữ. Yêu nghề truyền thống, bà Vàng Thị Mai đã được cụ bà truyền cho những bí quyết trong nghề. Từ đó cháy lên ngọn lửa đam mê, gắn bó với nghề thủ công truyền thống này.
 Những năm 90 của thế kỷ XX, nghề dệt thổ cẩm bị mai một dần. Các cô gái trẻ không còn thói quen ngày ngày ngồi bên khung dệt, với những đường kim thêu. Trước thực trạng đó, bà Vàng Thị Mai rất đau lòng. Bà luôn day dứt, đặt ra câu hỏi làm sao phải giữ nghề truyền thống vừa giúp cho người phụ nữ Mông thoát nghèo vừa giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Với quyết tâm đó, năm 2001 bà đã đứng ra vận động người dân cùng chung sức lập HTX dệt thổ cẩm Lùng Tám tại nhà riêng của mình. Thời gian đầu nhiều ông chồng chưa thấy vợ tham gia HTX có thu nhập nên ngăn cản vợ. Những lúc như vậy bà Mai lại phải đến từng gia đình vận động, chỉ ra những cái lợi khi trồng lanh, dệt vải mới khiến họ nghe và làm theo. Tuy khó khăn là vậy nhưng ai nấy đều đoàn kết, chèo lái hợp tác xã ngày một phát triển. Bà Lù Thị Lia, xã Lùng Tám, cho biết: khi tham gia dệt thổ cẩm trong Hợp tác xã giúp thu nhập cho gia đình cho các con đi học nên chồng tôi đỡ uống rượu và không mắng chửi nữa.
 Hợp tác xã thành lập nếu chỉ trông vào sức mua ở địa phương thì số lượng rất hạn chế, cần phải tìm thị trường tiêu thụ thì mới phát triển được ngành nghề. Bài toán đó khiến bà Mai mất nhiều thời gian tìm hướng đi mới cho Hợp tác xã. Với ý nghĩ đó bà đã khăn gói vượt cổng trời Quản Bạ xuống Hà Nội tham dự giới thiệu sản phẩm và đón nhận niềm vui từ những đơn hàng đầu tiên với những phản hồi tích cực của khách hàng. Để những sản phẩm lanh Lùng Tám đứng vững trên thị trường qua nhiều năm nay, bà Vàng thị Mai phải thổi hồn vào chất lượng sản phẩm với những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân bí quyết qua từng công đoạn. Quá trình hình thành tấm vải lanh phải trải qua 21 công đoạn chính. Trong đó, những công đoạn chế biến vỏ thân cây lanh thành sợi là tỷ mỷ và phức tạp nhất. Nó thể hiện những kỹ thuật tinh xảo trong nghề dệt lanh được các nghệ nhân ở Lùng Tám đúc kết từ bao đời nay. Chỉ riêng các công đoạn tạo thành sợi vải cũng đủ thấy sự chăm chỉ, khéo léo của người phụ nữ Mông. Sau khi thu hoạch về cây lanh được phơi nắng, phơi sương đủ độ để tước vỏ. Khi tách lấy vỏ lanh, đôi tay người phụ nữ phải hết sức khéo léo cho sợi lanh có độ mảnh đều nhau và không bị đứt nửa chừng. Và quan trọng các sợi tước phải có vỏ mảnh đều nhau. Tước vỏ phải để đúng chiều ngọn với ngọc, gốc với gốc rồi tuốt thành những con sợi. Những bó vải lanh được ủ ẩm dưới nền đất rồi được cuộn chặt lại cho vào cối giã cho sọi lanh dai và nhanh mềm. Những nhát chày mạnh và dứt khoát giã đều trên mạt cối mà không làm cho sợi đứt, gãy. Bó vải lanh được giã trơ hết bột chỉ còn trơ lại sợi dai nên rất dễ cho việc nối sợi.

                                                                Những phụ nữ người Mông đang dệt lanh.
 Để tạo độ xoắn đều cho sợi lanh người Mông Lùng Tám dùng một dụng cụ đơn giản nhưng rất độc đáo làm từ gỗ và các thanh tre. Khi vận hành hai chân người phụ nữ đạp nhịp nhàng theo dòng chảy của suối chỉ. Chỉ vài thao tác tưởng như đơn giản, nhưng rất khéo léo của người phụ nữ mông những sợi lanh dài nhanh chóng nắn sang dạng tròn bện của sợi. Các nghệ nhân ở Lùng Tám có cách tẩy trắng sợi rất độc đáo. Đó là dùng tro bếp của thân cây gỗ trai, gỗ nghiến trên rừng. Những con sợi vẫn còn màu xanh, thô và cứng sẽ được luộc trong nước pha lẫn sáp ong. ủ sợi trong chảo 2 ngày rồi đem ra phơi. Việc làm này ít nhất 3 lần và mất thời gian hàng tuần. Làm như vậy khi dệt mặt vải sẽ bóng, khít và đẹp.
 Bí quyết để một tấm vải lanh bền đẹp không chỉ nhờ đôi bàn tay khéo léo, tỷ mỷ của người phụ nữ mà còn ở kỹ thuật nhuộm chàm và vẽ sáp ong rất đặc biệt. Vẽ hoa văn trên vải lanh đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật điêu luyện. Người vẽ dùng một chiếc bút gia truyền khắc họa tỉ mẩn từng nét hoa văn lên từng thớ vải. Theo phong cách cổ truyền, các hoa văn họa tiết của người Mông cũng rất đa dạng gắn với thiên nhiên và nhân sinh quan của tổ tiên, ông bà người Mông để lại. Nhưng theo xu thế hiện nay người thợ vẽ sáp giỏi đòi hỏi phải óc sáng tạo để kết hợp những yếu tố truyền thống và hiện đại.
 Từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm cho hơn 200 phụ nữ. Trong đó có hơn 130 xã với chín tổ sản xuất ở các xã trong huyện. Trung bình thu nhập bình quân mỗi người hơn 3 triệu đồng một tháng. Nhờ đó mọi người thu nhập ổn định, có tiền tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Chị Mua Thị Dính, xã Lùng Tám huyện Quản Bạ cho biết: Hợp tác xã lanh Lùng Tám tạo được công ăn việc làm cho tất cả mọi người. Sau khi tôi lấy chồng ở trong làng đến đây đã được các nghệ nhân truyền dạy về các họa tiết hoa văn, tạo mẫu mã, giúp tôi có công ăn việc làm xóa đói giảm nghèo, giúp người dân trong làng giữ được nghề truyền thống của mình. Sự tồn vong hay phát triển của một làng nghề phụ thuộc nhiều vào công tác đào tạo trẻ. Để các em nhỏ trong xã hiểu biết về nghề truyền thống và văn hóa của dân tộc Mông bà Mai đã tranh thủ dạy dỗ các em vào những buổi tối ngoài giờ học để các em làm một số công đoạn đơn giản.
 Tỉ mỷ trên những công đoạn truyền thống, những sản phẩm thổ cẩm của HTX dệt lanh của xã Lùng Tám được khách hàng ưa trong nước chuộng. Nhưng để giới thiệu sản phẩm ra thế giới đòi hỏi người phụ nữ đầy nghị lực ấy phải có cách làm táo bạo hơn. Qua giới thiệu bà đã tận dụng cơ hội tham gia hội chợ quốc tế theo lời mời của các đại sứ quán, các triển lãm ở các nước. Khi tạo được uy tín bà hợp tác với nhà thiết kế Minh Hạnh và các nhà thiết trên thế giới để thấy tổng thể nhu cầu của thị trường và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế với sản phẩm lanh truyền thống của Việt Nam. Do đó khi đến du lịch ở Việt Nam nhiều du khách quốc tế đều đến làng lanh Lùng Tám, tham quan và mua những sản phẩm của làng nghề với những trải nghiệm rất thú vị.
Trong các tour du lịch đến Hà Giang, làng dệt lanh Lùng Tám không chỉ nổi tiếng là một địa điểm lý tưởng thu hút du khách. Và ở mỗi tấm vải được trang trí các đường nét hoa văn truyền thống, những hình ảnh mang đậm nét màu sắc, gần gũi với con người dân miền núi. Đặc biệt, là họa tiết truyền thống của người dân tộc Mông trên vùng cao nguyên địa chất Hà Giang. Tại đây, du khách có thể trực tiếp mặc các trang phục truyền thống, mặc áo, đội khăn, đeo túi, vòng bạc. Có thể nói, nghề dệt lanh truyền thống trở thành lối thoát nghèo cho bà con, đồng thời mở ra hướng phát triển du lịch nơi cao nguyên đá này.
 Với sức lan tỏa của các mặt hàng của Hợp tác xã, danh tiếng và uy tín của nghệ nhân Vàng Thị Mai cũng được biết đến nhiều hơn. Năm 2014, nghệ nhân Vàng Thị Mai được trao giải Kova, giải thưởng nhằm vinh danh các tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội. Năm 2015, bà được Bộ VHTT&DL phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân dân gian" năm 2015 với sự ghi nhận xứng đáng cho những công lao mà bà đã làm với dệt lanh truyền thống của người Mông. Đặc biệt trong năm 2017, tạp chí Forbes Việt Nam vinh dự bầu chọn bà trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 vì vai trò tiên phong trong việc đưa sản phẩm dệt lanh thổ cẩm có mặt ở thị trường trong nước và quốc tế.
 Bằng niềm đam mê ngọn lửa nhiệt huyết với nghề, tình yêu với dân bản, nghệ nhân Vàng Thị Mai không những đã "làm sống" lại làng nghề truyền thống của người Mông mà còn mặt hàng thổ cẩm của Việt Nam đến với thị trường các nước, đưa HTX lanh Lùng tám trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn mang lại thu nhập cho phụ nữ người Mông ở Quản Bạ.
 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập