Kinh tế

Vàng Thị Mỷ- mong muốn vươn xa cho những sản phẩm thổ cẩm lanh.

29/03/2023 20:58 37 lượt xem

Mảnh đất Cán Tỷ, huyện Quản Bạ nơi lưu giữ sự tinh hoa từ những sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người dân tộc Mông được thêu, dệt từ chính cây lanh của địa phương. Những năm qua, nhận sự quan tâm của các cấp tại tỉnh, huyện, sản phẩm thổ cẩm lanh tại đây đã được thị trường khách hàng biết đến, song để vươn xa những tấm vải thổ cẩm lanh ra các thị trường lớn khác là niềm mơ ước của chị Vàng Thị Mỷ.

Vàng Thị Mỷ- mong muốn vươn xa cho những sản phẩm thổ cẩm lanh.
Chị Vàng Thị Mỷ (bên trái) tâm huyết với cây lanh và các sản phẩm thổ cẩm lanh của dân tộc Mông.

Chị Vàng Thị Mỷ, sinh năm 1990, hiện là Hội viên phụ nữ xã Cán Tỷ đã và đang thực hiện ý tưởng khởi nghiệp với nhiều giải pháp trong quảng bá, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm lanh đến với thị trường khách hàng. Cụ thể: Giải pháp tận dụng tiềm năng về du lịch, các sản phẩm lanh thổ cẩm của Cán Tỷ sẽ được trưng bày tại chính Hợp tác xã thêu, dệt vải lanh Cán Tỷ để phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm và mua về. Quảng bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩm thông qua các gian hàng tại các sự kiện chính trị, lễ hội lớn của tỉnh, huyện và các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Khai thác nguồn tài nguyên thị trường khách hàng dồi dào trên nền tảng công nghệ số thông qua các sàn thương mại điện tử như Shope, Lazada, việc thành lập website, fanpage facebook, zalo để đăng tải các sản phẩm.

Việc nâng tầm sản phẩm, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã thật đa dạng, bắt mắt kết hợp hài hòa giữa truyền thống, sự mộc mạc với đương đại, phù hợp thời trang và thị hiếu khách hàng cũng là giải pháp tối ưu được chị Vàng Thị Mỷ lựa chọn. Dựa trên 08 mẫu hoa văn truyền thống của người dân tộc Mông như: Hoa văn đôi lứa, hoa văn gia đình, hoa văn điêu khắc trên các vật dụng của một gia tộc..., từ đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Mông sẽ không ngừng sáng tạo tiếp tục thêu, dệt lên những sản phẩm phong phú, màu sắc như: Khăn trang trí, túi xách, quần, áo. Các sản phẩm sẽ đa dạng giá từ 50.000đ đến 2- 3 triệu đồng, tùy mẫu mã sản phẩm. Trong quá trình xây dựng giải pháp và cụ thể hóa ý tưởng khởi nghiệp chị Vàng Thị Mỷ luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình.

Chị Vàng Thị Mỷ, xã Cán Tỷ chia sẻ: Ý tưởng khởi nghiệp của tôi có mục tiêu đó là: Phát triển rộng rãi thị trường đối với sản phẩm thổ cẩm lanh sẽ là yếu tố nâng cao được vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ dân tộc Mông trong bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của cha ông đã để lại. Khi các sản phẩm thổ cẩm lanh được quảng bá, giới thiệu sâu rộng ra nhiều thị trường khách hàng sẽ là hướng sinh kế thật bền vững, giúp ít nhất 45% phụ nữ dân tộc Mông bản địa có nguồn thu nhập ổn định. Từng bước xây dựng thương hiệu cho tất cả các sản phẩm thổ cẩm lanh quê hương Cán Tỷ tạo ra sẽ đạt được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh. 

Vừa qua tham gia Ý tưởng khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức, ý tưởng khởi nghiệp của chị Vàng Thị Mỷ đã đạt được giải khuyến khích. Đây sẽ là động lực để ý tưởng khởi nghiệp của chị Mỷ tiếp tục được thực hiện và đạt được những thành công.

Hoàng Chính

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập